Sắp mở đường cho doanh nghiệp lớn niêm yết ngay sau IPO

Sắp mở đường cho doanh nghiệp lớn niêm yết ngay sau IPO

(ĐTCK) Tại cuộc Tọa đàm về TTCK năm 2015 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam tổ chức ngày 25/12/2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK vừa đề xuất Bộ Tài chính văn bản hướng dẫn cho các DN sau khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) có thể niêm yết trên Sở GDCK.

Nhu cầu của Doanh nghiệp

Theo Quyết định 51/2014, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN cổ phần hóa (CPH) phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Trường hợp DN CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK, sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các Sở GDCK...

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều DN, cũng như cổ đông lớn của một số DN vừa CPH mong muốn được niêm yết thẳng trên Sở GDCK. Tại nhiều DN, cổ đông muốn Ban điều hành DN sau khi tiến hành xong IPO phải nỗ lực đáp ứng các điều kiện niêm yết theo quy định của Luật Chứng khoán để niêm yết thẳng lên Sở GDCK.

Tại Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), sau khi IPO thành công vào đầu tháng 12/2014, Công ty dự kiến tổ chức ĐHCĐ lần đầu vào cuối tháng 1/2015 và hoàn thiện các thủ tục để niêm yết trên HOSE.

Nhu cầu của các DN là như vậy, nhưng đến nay, văn bản hướng dẫn chi tiết Quyết định 51/2014, nhất là về nội dung khi DN đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán thì được phép niêm yết thẳng lên Sở GDCK, mà không phải đi đường vòng qua UPCoM, đến nay vẫn chưa được ban hành.

Liên quan đến một bất cập khác của Quyết định 51/2014, theo phản ánh của Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt Nhữ Đình Hòa, một mặt văn bản này chưa đề cập chi tiết điều kiện thoái vốn của các DNNN, mặt khác do chưa có văn bản hướng dẫn Quyết định 51/2014 nên gây khó khăn cho khâu tổ chức triển khai.

Cụ thể, Quyết định 51/2014 chỉ quy định nguyên tắc cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá, nhưng không quy định chi tiết về điều kiện phát hành, khiến những trường hợp thoái vốn tương tự như tình huống chào bán chứng khoán ra công chúng không thể triển khai, do DN thoái vốn phải thỏa mãn một loạt điều kiện về ý kiến chấp thuận của kiểm toán, tình hình lợi nhuận tại DN (không có lỗ lũy kế)… Để tháo gỡ bất cập này, theo ông Hòa, các CTCK đều mong sớm có văn bản hướng dẫn Quyết định 51/2014.

Hai phương án song song

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, theo phương án mà UBCK đề xuất, DN cần hoàn thiện song song hai hồ sơ: đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên Sở GDCK. Trường hợp DN CPH đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán như: quy mô vốn, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài, các chỉ tiêu tài chính, đồng thời kịp hoàn tất hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, thì sau khi hoàn tất CPH, IPO, sẽ cho phép DN niêm yết thẳng lên Sở GDCK.

“UBCK sẵn sàng tạo điều kiện cho DN sau CPH niêm yết thẳng lên Sở GDCK. Giải pháp này nhằm hỗ trợ DN khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường tương xứng với vị thế của họ”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, trong trường hợp hết ngày thứ 90 mà DN không kịp hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, cũng như với những DN chưa đủ điều kiện niêm yết, thì phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM theo đúng quy định tại Quyết định 51/2014. Đây là quy định nhằm tránh trường hợp DN đăng ký lên niêm yết, nhưng cố tình chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, để vừa chưa lên niêm yết, đồng thời né tránh nghĩa vụ đăng ký giao dịch qua UPCoM.     

Theo quy định tại Nghị định 58/2012 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, DN muốn niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) phải thỏa mãn các điều kiện: là CTCP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên. Có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức CTCP tính đến thời điểm đăng ký niêm yết (ngoại trừ DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết); tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ quá hạn phải trả trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết… Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành CTCP theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo quy định tại Nghị định 58/2012, DN muốn niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) phải thỏa mãn các điều kiện: là CTCP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên. Có ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức CTCP tính đến thời điểm đăng ký niêm yết (ngoại trừ DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết); tỷ lệ ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%; không có các khoản nợ quá hạn phải trả trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết… Tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành CTCP theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Tin bài liên quan