Ngày 14/11 tới, sau nhiều lần trì hoãn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ bán đấu giá hơn 49 triệu cổ phần với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần. Cùng với Vietnam Airlines, hàng loạt DNNN cũng đã lên kế hoạch thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Sôi động IPO
9 tháng đầu năm đã có 92 doanh nghiệp được sắp xếp cổ phần hóa, trong đó 71 doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Dự kiến đến hết năm 2014, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ đạt con số 100, tăng khá nhiều so với 74 doanh nghiệp cổ phần hóa của năm 2013 và 13 doanh nghiệp năm 2012.
Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN, con số báo cáo đến thời điểm này cho thấy, tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy nhanh và dự báo sẽ có sự tăng đột biến trong năm 2015. Đặc biệt, việc bán cổ phần lần đầu (IPO) của các doanh nghiệp lớn như Vinatex, Vietnam Airlines và tới đây là Mobifone… được xem là những “cú hích” lớn trong việc tái cấu trúc khối DNNN.
Khác với giai đoạn trước, nhiều cuộc IPO phải hoãn, hủy do không có nhà đầu tư đăng ký mua, thì tình trạng này đã được cải thiện đáng kể trong năm 2014. Sau IPO thành công của Vinatex, ngày 14/10 vừa qua, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Vinacco) đã IPO 2.641.100 cổ phần (tương đượng 34,75% vốn điều lệ sau cổ phần hóa), kết quả 55,7% cổ phần Vinacco đưa ra đấu giá đã được bán với tổng giá trị thu về hơn 14,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư chợ Lớn (cholimex) - một trong 432 doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015. Sau khi thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Cholimex đã ký hợp đồng tư vấn với CTCP Thông tin và thẩm định giá Miền Nam (SIVC) để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp và sẽ tiến hành cổ phần hóa theo đúng tiến độ, muộn nhất là quý III/2015.
Tác động đến TTCK?
Vietnam Airlines hiện là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, do vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp này thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài. Bởi đây được xem như một hàn thử biểu quan trọng về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, vận tải hàng không có nhiều lợi thế hơn so với các ngành vận tải khác do cơ chế đặc thù. Sự kiện IPO Vietnam Airlines sẽ đem lại những tác động tích cực tới TTCK.
“Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng, có nhiều lợi thế ở thị trường trong nước. Hoạt động IPO Vietnam Airlines chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư”, ông An nhận định.
Theo ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích CTCK FPT (FPTS), Vietnam Airlines có vốn điều lệ trên 14.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu phát hành lần đầu, Nhà nước giữ hơn 1 tỷ cổ phần, chiếm 75% vốn điều lệ; 282 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 20% vốn điều lệ; 1,48% vốn điều lệ bán cho cán bộ nhân viên, phần chào bán công khai chỉ 49 triệu cổ phần, chiếm 3,475% vốn điều lệ.
“Với khối lượng cổ phần chào bán công khai chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khả năng tác động đến thị trường khi doanh nghiệp chính thức IPO sẽ không lớn. Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, việc IPO những cổ phiếu lớn như Vietnam Airlines, Vinatex cũng có thuận lợi khi xu hướng thị trường đang ủng hộ”, ông Kiên nói.
Như vậy, ở góc độ rộng, việc IPO của Vietnam Airlines nói riêng và các DNNN nói chung sẽ có những tác động tích cực cả trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Ở phạm vi hẹp hơn, khi Vietnam Airlines niêm yết cổ phiếu (theo quy định là sau 1 năm kể từ thời điểm nhận được giấy chứng nhận CTCP) sẽ tạo thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường, thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam.