Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, CTCK Hải Phòng (HPC) đã thông qua kế hoạch hợp nhất với CTCK Á - Âu (AAS). Hiện tại, HPC đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để có thể thực hiện ngay việc hợp nhất trong năm 2015.
Nói về kế hoạch hợp nhất và việc lựa chọn AAS, lãnh đạo HPC cho biết, việc hợp nhất là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, bởi theo kế hoạch tái cấu trúc TTCK, chỉ các CTCK mạnh mới có thể tồn tại, các công ty yếu sẽ bị giải thể, thu hồi giấy phép hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Hơn nữa, việc hợp nhất sẽ giúp HPC cải thiện tình trạng hoạt động hiện nay và qua đó, có thể tận dụng nhân sự sẵn có, đồng thời mở thêm chi nhánh thứ 2 tại TP. HCM.
Đối với trường hợp của HPC, với khoản lỗ lũy kế tính đến thời điểm hết năm 2014 là gần 200 tỷ đồng thì việc hợp nhất lại là phương án phù hợp nhất để xóa lỗ. Tuy nhiên, việc lựa chọn AAS, vốn là một CTCK có quy mô nhỏ và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có thể giúp HPC lớn mạnh lên hay không, ngoài mục tiêu đơn thuần là xóa lỗ, là điều các cổ đông đang băn khoăn. Theo lãnh đạo HPC, việc tìm kiếm một CTCK lớn hơn, tốt hơn HPC để hợp nhất là rất khó đối với HPC trong bối cảnh hiện tại.
Thêm một CTCK dự kiến hợp nhất ngay trong năm nay là CTCK Sacombank (SBS). Dự kiến, ngày 30/8 tới, SBS sẽ chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến các cổ đông bằng văn bản, liên quan đến việc hợp nhất SBS với một CTCK khác.
Theo tìm hiểu của ĐTCK thì CTCK mà SBS dự kiến hợp nhất rất có thể là CTCK Phương Nam (PNS), bởi trước đó, Ngân hàng mẹ Sacombank cũng đã thông qua kế hoạch nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc SBS cho biết, việc hợp nhất là cần thiết đối với SBS tại thời điểm hiện tại, ngoài việc thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc tái cơ cấu CTCK, việc hợp nhất sẽ giúp SBS có thể xoá lỗ luỹ kế, sau đó tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ để mức vốn điều lệ của CTCK mới sau hợp nhất đạt tối thiểu 800 tỷ đồng, đủ tiêu chuẩn tham gia các nghiệp vụ mới và đủ điều kiện để chuyển từ UPCoM lên niêm yết trở lại tại HOSE.
Thực tế, mục đích quan trọng được đề cập cụ thể trong Đề án tái cấu trúc các CTCK là nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK, trên cơ sở đó từng bước thu hẹp số lượng CTCK.
Quá trình tái cấu trúc CTCK được Bộ Tài chính, UBCK thực hiện từ đầu năm 2012 nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có hai “cặp đôi” thành công, đó là MBS và VITS vào năm 2013, CTCK Quốc tế (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OSC). UBCK cũng khuyến khích các CTCK tự lựa chọn và thực hiện M&A, nên các thương vụ hiện nay mang tính chất tự nguyện, chứ không phải ép buộc.
Dù việc hợp nhất, sáp nhập là rất cần thiết và gấp rút đối với nhiều CTCK, nếu không muốn bị “loại khỏi cuộc chơi”, nhưng việc tìm đối tác để “se duyên” lại gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi hai bên khó tìm được tiếng nói, hướng đi chung và quan trọng là việc liệu hai “thân hình” ốm yếu khi kết hợp với nhau có trở thành một “cơ thể” khỏe mạnh hay không.
CTCK Châu Á Thái Bình Dương (APS) đã có ý tưởng hợp nhất, sáp nhập với một CTCK khác từ năm 2012, nhưng đến nay mới đến giai đoạn nộp hồ sơ lên UBCK để xin ý kiến. Hiện tại, CTCK Sen Vàng (GLS) đã đồng ý sáp nhập với APS với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Theo đó, APS sẽ phát hành 13,5 triệu cổ phần hoán đổi cổ phần GLS, việc sáp nhập hai CTCK cũng sẽ hoàn tất trong năm 2015.
CTCK Phương Đông (ORS) cũng đã thông qua việc sáp nhập với một CTCK có tiềm năng để mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực tài chính của Công ty, nhưng nay vẫn trong quá trình tìm kiếm đối tác.
M&A của khối CTCK được dự báo sẽ diễn ra rõ nét trong năm 2015. Việc hợp nhất, sáp nhập ngoài động lực giúp CTCK xóa lỗ lũy kế, còn là cơ hội giúp các CTCK hồi sinh trở lại và bước sang một trang mới.