Hiện khung pháp lý cho TTCK phái sinh đã được chuẩn bị thế nào, thưa ông?
Chứng khoán phái sinh là một sản phẩm mới, hoạt động phức tạp, nhạy cảm và chúng ta chưa có thực tiễn. Do đó, khung pháp lý điều chỉnh về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến ban đầu sẽ được ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ.
Sau một thời gian hoạt động, sẽ được xem xét để đưa vào điều chỉnh khi chúng ta xây dựng Luật Chứng khoán mới (thế hệ luật thứ hai).
Hiện tại, UBCK đã hoàn tất dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh & thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định chứng khoán phái sinh) và đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Bộ Tài chính trình Chính phủ vào tháng 12/2014. Đồng thời, UBCK cũng song song hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn, để đảm bảo hướng dẫn kịp thời khi Nghị định được ban hành và đưa vào áp dụng.
Những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định chứng khoán phái sinh là gì?
Căn cứ vào Quyết định 366/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, Nghị định chứng khoán phái sinh điều chỉnh về các loại chứng khoán phái sinh được quản lý giao dịch trên Sở GDCK, hoặc được đăng ký và thanh toán bù trừ thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán dưới hình thức đối tác trung tâm (CCP).
Theo đó, các thành viên tham gia giao dịch trên Sở GDCK và thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký sẽ phải được UBCK chấp thuận dựa trên các tiêu chí về quy mô vốn, tỷ lệ vốn khả dụng, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ và chứng chỉ hành nghề của nhân viên nghiệp vụ.
Mặt khác, thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động có tính đòn bẩy cao, rủi ro thanh toán thường xảy ra tại tổ chức CCP nên dự thảo Nghị định cũng quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến ký quỹ giao dịch, giới hạn vị thế, các quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán và cơ chế xử lý rủi ro trong thanh toán.
Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời khi Nghị định ban hành là có thể triển khai mà không mất thời gian chờ xây dựng Nghị định về xử lý vi phạm đối với thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán), tại dự thảo Nghị định có một chương điều chỉnh về các chế tài xử lý vi phạm liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh. Sau này, chúng ta sẽ xem xét sửa đổi Nghị định 108/NĐ-CP sau.
Ông có thể cho biết thêm về điều kiện làm thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh?
Do thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động phức tạp và có tính đòn bẩy cao, rủi ro tác động mạnh lên thị trường cơ sở và ngược lại, nên việc lựa chọn thành viên tham gia thị trường đòi hỏi phải dựa trên cơ sở năng lực tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực chuyên môn của nhân viên nghiệp vụ.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định, CTCK muốn tham gia hoạt động tự doanh phải có quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng, đối với hoạt động môi giới là 800 tỷ đồng, ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu về vốn khả dụng, điều kiện công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trường hợp muốn làm thành viên của Sở GDCK phải được UBCK cấp phép hoạt động tự doanh và môi giới.
Đối với ngân hàng thương mại, nếu muốn tham gia làm thành viên của Sở GDCK để tự doanh chứng khoán phái sinh dựa trên trái phiếu chính phủ (TPCP) phải là thành viên giao dịch của thị trường TPCP chuyên biệt và được UBCK chấp thuận trên cơ sở ý kiến của NHNN.
Đối với các hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, hoặc có vốn nhà nước, thì phải có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.
Với mô hình thành viên giao dịch quy định tại dự thảo Nghị định, CTCK có thể vừa làm thành viên giao dịch của Sở GDCK và làm thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký, hoặc chỉ cần làm thành viên của Sở GDCK và có ủy thác thanh toán bù trừ cho thành viên bù trừ chung của Trung tâm Lưu ký, mà không nhất thiết phải là thành viên bù trừ của Trung tâm Lưu ký.
Công tác chuẩn bị liên quan đến thiết kế sản phẩm giao dịch, công nghệ thông tin và công tác đào tạo cho các thành viên thị trường và công chúng đầu tư hiện nay như thế nào, thưa ông?
Hiện tại, UBCK đã hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về chứng khoán phái sinh. Theo đó, hai sản phẩm phái sinh được thiết kế để đưa vào hoạt động ban đầu là hợp đồng tương lai TPCP và hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán.
Đây là hai sản phẩm có tính ổn định ở tài sản cơ sở (TPCP, chỉ số) và cơ chế thiết lập, giao dịch, thanh toán bù trừ không quá phức tạp như các sản phẩm quyền chọn.
Về dài hạn, các sản phẩm hợp đồng tương lai và quyền chọn dựa trên các tài sản cơ sở khác sẽ được xây dựng để đưa vào giao dịch phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực khi xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh.
Đối với hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, UBCK đã chỉ đạo và phối hợp với Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký để chuẩn bị các điều kiện về các văn bản hướng dẫn (quy chế, quy trình nghiệp vụ) cũng như xây dựng hệ thống công nghệ và các vấn đề liên quan đến xác lập sản phẩm.
Ngoài ra, để sớm triển khai thực hiện thị trường phái sinh, công tác nhân sự, đào tạo cũng được gấp rút triển khai.
UBCK cũng đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu đạo tạo chứng khoán hoàn tất các giáo trình để đào tạo, phổ biến kiến thức cho các nhân viên hành nghề và công chúng đầu tư, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để có những đợt đào tạo chuyên sâu (cả miễn phí và thu phí) đối với kỹ thuật giao dịch, quản trị rủi ro đối với chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nhà đầu tư nắm bắt cụ thể hơn về thị trường phái sinh.