Khắc phục tình trạng “3 không”
Bất ổn lớn nhất của chế độ kế toán công ty chứng khoán hiện hành là “dùng chung” chế độ kế toán của doanh nghiệp sản xuất, nên hệ thống tài khoản rất sơ sài, không có các công cụ để theo dõi các sản phẩm, nghiệp vụ đặc trưng của công ty chứng khoán.
Hệ quả nhãn tiền là dẫn đến tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, khi bảng cân đối kế toán của công ty chứng khoán phản ánh cả tài sản là tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh cả dòng tiền tham gia giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư… Điều này gây nên tình trạng “3 không”: phản ánh không đầy đủ, không xác thực và không minh bạch đặc thù hoạt động của các công ty chứng khoán.
Trao đổi với ĐTCK, bà Lê Thị Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, tình trạng đáng quan ngại trên sẽ được khắc phục khi Thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán được áp dụng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là từ các công ty chứng khoán, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán đã hoàn chỉnh thông tư, để trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.
Để giảm sốc cho CTCK, chế độ kế toán mới sẽ có thời gian chờ là 1 năm
“Chế độ kế toán mới đặt ra yêu cầu các công ty chứng khoán phải hạch toán biến động về tài sản theo giá trị thị trường, giá trị hợp lý, thay vì hạch toán theo giá trị sổ sách, hay theo phương pháp giá gốc. Chế độ kế toán mới đảm bảo tính đồng bộ và đầy đủ của hệ thống tài khoản, nên cho phép ghi nhận đầy đủ, chính xác hoạt động kinh doanh đặc trưng của các công ty chứng khoán...”, bà Hòa nói và cho biết thêm, do thị trường tài chính của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu, nên chế độ kế toán mới áp dụng đối với các công ty chứng khoán được xây dựng theo thông lệ quốc tế, qua đó góp phần gia tăng tính minh bạch từ gốc về hoạt động của khối tổ chức trung gian trên TTCK.
Dự thảo Thông tư được Ban soạn thảo hoàn chỉnh theo hướng đưa ra hệ thống chứng từ chuẩn để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thực tiễn áp dụng. Tuy vậy, việc tuân thủ hệ thống chứng từ vẫn đảm bảo cho các công ty chứng khoán có độ linh hoạt hợp lý, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động, cũng như yêu cầu quản trị khác nhau ở các công ty chứng khoán…
Với những bước cải cách như trên, khi chế độ kế toán mới được triển khai, đòi hỏi của nhà đầu tư về các công ty chứng khoán phải công bố thông tin theo hướng xác thực và minh bạch hơn sẽ được đáp ứng. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư không chỉ trong chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản giao dịch, mà còn cả trong hoạt động đầu tư vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán.
Đề xuất giải pháp chống… sốc
Ý kiến của các công ty chứng khoán cho thấy, quá trình chuyển đổi từ chế độ kế toán “dùng chung” với các doanh nghiệp sản xuất như hiện tại sang chế độ kế toán riêng biệt, mang tính đặc thù của công ty chứng khoán, sẽ khiến các công ty chứng khoán tốn không ít thời gian lẫn chi phí cho xây dựng lại hệ thống phần mềm, chuyển đổi dữ liệu...
Điều này khiến nhiều công ty chứng khoán khó đáp ứng được yêu cầu triển khai chế độ kế toán mới trong thời gian ngắn. Bởi vậy, nếu Bộ Tài chính đặt ra thời hạn áp dụng gấp, với chuẩn cao, thì sẽ gây… sốc cho các công ty chứng khoán.
Tiếp thu ý kiến của các công ty chứng khoán, cũng như để đảm bảo tính khả thi của chế độ kế toán mới, bà Hòa cho hay, khi Thông tư được ban hành, Bộ Tài chính cho phép các công ty chứng khoán có thời hạn 1 năm chuẩn bị để hoàn thiện hệ thống phần mềm, dữ liệu, thậm chí cả thói quen áp dụng chế độ kế toán mới trước khi áp dụng chính thức.
Việc thay đổi một thói quen nhỏ đã khó, huống gì thay đổi cả hệ thống chế độ kế toán. Do vậy, với khoảng thời gian 1 năm chuẩn bị, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải tích cực nắm bắt và triển khai quy định mới, thì mới đảm bảo tiến độ đề ra.
“Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư, Bộ Tài chính đã nắm bắt rõ nguồn lực về thời gian lẫn tài chính cho việc thiết lập hệ thống phần mềm kế toán mới mà công ty chứng khoán phải bỏ ra. Do vậy, các quy định trong Thông tư được thiết kế theo hướng đảm bảo tính ổn định của chính sách, nhằm tạo thuận lợi cho các công ty chứng khoán trong quá trình áp dụng chế độ kế toán mới”, bà Hòa nói và cho biết thêm, điều này không chỉ đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, mà còn góp phần nâng cao tính minh bạch của TTCK, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường.