Sập bẫy vay vốn ngoại

Sập bẫy vay vốn ngoại

Khát vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, không ít doanh nghiệp hoa mắt trước khoản vốn vay dễ dàng của nước ngoài và đã bị rơi vào bẫy mà các đối tượng lừa đảo giăng sẵn.

Miếng pho mát trong bẫy chuột

 

Mang bản án chung thân vì tội danh lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt từ tháng 11/2011, nên đứng trước vành móng ngựa, Hoàng Ánh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Hưng Hợp Lực, không tỏ ra lo lắng như các bị cáo khác, mà trái lại, bị cáo cãi bay, cãi biến lời buộc tội của đại diện công tố và dửng dưng với những giọt nước mắt cay đắng rơi trên khuôn mặt những nạn nhân của mình.

 

Thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà máy giấy, ông Nguyễn Văn Q., Giám đốc một công ty tại Hà Tĩnh và một người bạn tên Nguyễn Văn X. được Dương Hoài Châu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt (có trụ sở tại đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) giới thiệu gặp Hoàng Ánh. Tại buổi gặp đó, Ánh tự quảng cáo là có mối quan hệ mật thiết với nhiều đối tác kinh tế, tài chính xuyên quốc gia, nên có khả năng giúp hai ông Q., X. vay vốn. Để lấy lòng tin, Ánh đưa ra một tờ giấy đề Ngân hàng Deutsche Bank ở Dubai, xác nhận việc Công ty Hưng Hợp Lực có khoản tiền 30 triệu euro tại ngân hàng này. Hoàng Ánh còn mở máy tính cho họ xem tài liệu chứng minh Ánh vay được 200 triệu USD từ một tổ chức của Malaysia . Thực chất những giấy tờ này là giả mạo.

 

Để vay được số tiền với lãi suất ưu đãi, Ánh yêu cầu hai ông phải ứng trước một số tiền cần thiết để làm thủ tục hợp đồng vay và giải ngân chuyển USD từ nước ngoài về tài khoản của ông Q. ở Việt Nam .

 

Quá cần tiền và tin vào tờ giấy đó, hai ông Q., X. đã thỏa thuận ứng trước cho Hoàng Ánh 2,7 tỷ đồng để Ánh “giúp” hoàn tất thủ tục vay vốn nước ngoài. Để hợp thức hóa số tiền đó, Châu và Ánh đã yêu cầu hai nạn nhân này lập “hợp đồng góp vốn” số tiền 2,7 tỷ đồng vào Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt, đồng thời cam kết hoàn trả cả gốc lẫn lãi sau 45 ngày. Nhận tiền xong, Ánh còn khẳng định chỉ sau 45 ngày, ngân hàng nước ngoài sẽ giải ngân số vốn 30 triệu USD vay và ông Q. còn được hoàn trả lại gấp đôi số tiền ông đã ứng trước để làm thủ tục.

 

Thế nhưng, hết thời hạn mà Ánh cam kết, ông Q., ông X. vẫn không nhận được đồng nào, còn Ánh thì “im thin thít, lặn mất tăm”. Đến khi tìm được, Ánh khất lần không trả lại số tiền đã ứng trước. Tháng 10/2010, ông Q. đã làm đơn tố cáo Ánh, Châu ra cơ quan công an.

 

“Đại gia” giắt lưng hai bản án

 

Một nạn nhân khác cũng nếm “trái đắng” vốn ngoại của Ánh suốt 6 năm trời là bà Phạm Thị H. (Giám đốc Công ty TNHH PT, có trụ sở tại phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Năm 2004, bà H. quen Hoàng Ánh và ngay lập tức, choáng với cách tiêu pha kiểu đại gia của Ánh. Ánh thường xuyên đi xe sang, đi du lịch châu Âu, châu Á như đi chợ và khoe là Tổng giám đốc Công ty Ahr Harima Co. Ltd., - doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực tài chính có trụ sở ở Malaysia.

 

Sau khi đã lấy được lòng tin của bà H., Ánh khoe có một tàu phân đạm 12.500 tấn đang trên đường về Việt Nam và sẽ cập cảng Sài Gòn trong vài ngày tới. Ánh mời bà H. mua lại với điều kiện đặt trước 50.000 USD. Để bà H. yên tâm, Ánh mang hồ sơ, giấy tờ chương trình vay tiền nước ngoài và hứa giúp bà H. vay tiền.

 

Để “dụ” bà H., Ánh đã mời bà đi du lịch một số nước châu Âu để “gặp gỡ các ông chủ nhà băng quốc tế”. Ánh còn yêu cầu bà H. mở tài khoản ở nhiều ngân hàng quốc tế khác nhau để sẵn sàng nhận được vốn ở nước ngoài “bơm về”. Đổi lại, Ánh yêu cầu phải ứng trước 10% vốn đối ứng.

 

Tin tưởng vào Ánh, từ năm 2004 đến tháng 5/2010, bà H. đã 13 lần giao tiền cho vợ chồng Ánh, với tổng số tiền lên đến 1.150.000 USD và hơn 5,3 tỷ đồng. Chờ mãi vốn ngoại chẳng thấy đâu, bà H. buộc phải gặp Ánh yêu cầu xác nhận nợ.

 

Ngoài hai vụ lừa đảo nêu trên, từ năm 2004 đến tháng 10/2010, Hoàng Ánh, Dương Hoài Châu cùng đồng bọn còn thực hiện 4 vụ tương tự và 2 vụ lừa đảo với hàng chục người bằng hình thức đưa ra nước ngoài làm việc.

 

Ngoài ra, tháng 8/2010, Hoàng Ánh ký hợp đồng với một công ty ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội do anh Nguyễn Duy S. làm giám đốc, ủy thác nhập khẩu 10.000 tấn đường mía trắng có xuất xứ từ Thái Lan, với chi phí ủy thác là 90.000 USD. Ánh cùng một nhân viên khác của Công ty Hưng Hợp Lực nhận của anh S. trên 4,6 tỷ đồng, nhưng sau khi nhận tiền, Ánh lấy lý do anh S. chưa xin được giấy phép nhập khẩu đường để chiếm đoạt số tiền đã nhận.

 

Những nạn nhân của Hoàng Ánh đều không hề biết vị Chủ tịch HĐQT xài tiền như nước này lại chỉ là một anh nông dân học hết lớp 6, mang hai tiền án. Vướng vào bẫy của Ánh, bà H. đã từ một doanh nghiệp làm ăn tốt, giờ phải sống trong cảnh nghèo túng, khổ sở. Còn ông X. phải bán nhà để mang tiền “cúng” cho Ánh.

 

Tại phiên tòa, Ánh vẫn cao giọng khẳng định không lừa ai và thư tín dụng là có thật, bị cáo có khả năng vay tiền cho các bị hại. Ánh và Châu vẫn bao biện, chối tội và nói đã hoàn trả tiền cho ông X. Với những hồ sơ, tài liệu có được, Hội đồng Xét xử cho biết, cả Ánh và Châu đều không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

 

Sau khi đối trừ giữa các khoản thu và các khoản đã hoàn trả cho các bị hại, tổng số tiền Ánh cùng đồng bọn còn chiếm đoạt lên đến hơn 40,3 tỷ đồng. Toà án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Ánh tù chung thân, Dương Hoài Châu mức án 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Không khó để nhận ra điểm chung của các kịch bản lừa đảo được thực hiện dưới bàn tay đạo diễn của các bị cáo. Chúng đã dùng mác có vốn của cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam và nguồn vốn này được chứng minh bằng các giấy tờ giả, giấy tờ photo… nhằm thuyết phục các doanh nghiệp ký các hợp đồng vay tiền. Sau đó, chúng tìm đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, như các doanh nghiệp đang triển khai dự án mà không có vốn triển khai, các doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp… Từ đây, các doanh nghiệp rơi vào ma trận do các đối tượng giăng sẵn và phải chi hoa hồng, vốn đối ứng, chi phí ngoại giao… rất lớn mà không nhận được đồng vốn vay nào. Đây là bài học không hề cũ cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang có ý định tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài.