Về hoạt động, trong tháng 7, đối với tôm thành phẩm, FMC sản xuất được 4.098 tấn và tiêu thụ đạt 2.713 tấn, lần lượt tăng 75% và 7% so với cùng kỳ năm trước. Đối với nông sản thành phẩm, FMC sản xuất được 20 tấn và tiêu thụ đạt 147 tấn, lần lượt giảm 70% và 22% so với cùng kỳ.
FMC đánh giá, sản lượng và doanh số tiêu thụ đều tăng cùng chiều sản lượng chế biến. FMC đã có đủ đơn hàng tăng trưởng hai con số năm nay.
Nhận định về những tháng tới, FMC cho biết, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỉ lệ khá cao, tỷ lệ thành công sẽ giảm thấp, gây thiệt hại. Từ đó, khả năng từ nay đến cuối năm lượng tôm thương phẩm của nước sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây thêm khó cho cơ sở chế biến.
Với Sao Ta, doanh nghiệp đã thu hoạch xong tôm nuôi ở trang trại mới và đang thu hoạch trang trại cũ, dự kiến giữa tháng 9 hoàn tất. Tình hình thời tiết bất thường, bất lợi nên việc thả nuôi vụ tiếp theo ở quý IV, khi ngớt mưa, nhằm giảm rủi ro. Kết quả nuôi tôm khá ổn, dù dịch bệnh đã làm tôm phát triển không như mong muốn.
Tuy nhiên, khó khăn sẽ đến từ hai vụ kiện về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ. Tối 2/8/2024 giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dù nước ta đã được 72 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường, trong đó có Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… là những quốc gia lớn.
“Sự kiện này sẽ tiếp tục bất lợi cho các doanh nghiệp ta có xuất hàng vào Hoa Kỳ chẳng may vướng các vụ kiện như nêu trên, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp tôm ta. Bởi qua đó, DOC sẽ không công nhận các dữ liệu của các doanh nghiệp ta cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng”, FMC nêu rõ.