“Bén duyên” với lĩnh vực năng lượng sạch với từng bước đi thật khoa học và hết sức thận trọng, Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã có cách làm khác biệt để khai thác hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường tài nguyên “nắng” Việt Nam.
Biến đất nghèo thành “đất kép” là ý tưởng và tư duy xuyên suốt trong quá trình triển khai xây dựng cho đến vận hành Nhà máy điện mặt trời Sao Mai. Chỉ trong vòng chưa đến 2 năm, Tập đoàn đã hoàn thành; Nhà máy quang năng tại huyện Đức Huệ - Long An (Europlast công suất 50Mwp) và tại huyện Tịnh Biên - An Giang (công suất 210 MWp), với tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, tất cả đã hòa lưới điện quốc gia ở các mốc thời gian tháng vào 6/2019 và 2/12/2020.
Tọa lạc tại các vị trí rất đẹp, có nguồn bức xạ cao, nhà máy điện mặt trời Sao Mai còn được đầu tư chiều sâu nâng tầm trang trại pin trở thành mô hình du lịch sinh thái kết hợp khám phá - dã ngoại, tạo nên chuỗi giá trị thặng dư liên hoàn cho Sao Mai Solar. Đồng thời, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, cải thiện đời sống cho cộng đồng thật hiệu quả.
Sao Mai Group giữ vị trí “chiếu trên” trong TOP 10 Doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch Việt Nam 2020. |
Cho đến thời hiện nay, Sao Mai là một trong số rất ít doanh nghiệp đã đạt được thành công lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam bởi phương thức đầu tư hoàn toàn chủ động về vốn và huy động được tính đa dạng nguồn nhân lực.
Sự ra đời của Sao Mai Solar đóng góp rất quan trọng nâng tỷ trọng các nguồn điện sạch đạt đến 61% tổng công suất đặt của hệ thống 106 nhà máy điện mặt trời ở nước ta với công suất 5.853 MW. Mặt khác, Sao Mai Solar đang bám sát theo Nghị quyết 55 của Bộ chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam trên tinh thần sáng tạo và sử dụng hiệu quả kho báu Trời ban.
Song trên bước đường phát triển lĩnh vực khá mới mẻ, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch (điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối…) cũng vấp phải những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những rào cản trong phát triển các dự án nguồn điện sạch tại Việt Nam.
Đặc biệt, các cơ chế khuyến khích thông qua bù giá (FIT) hết hiệu lực vào cuối năm 2020 (điện mặt trời) và tháng 11/2021 (điện gió), trong khi chưa có các cơ chế tiếp theo, như cơ chế đấu thầu, hoặc biểu giá FIT mới được ban hành. Ngoài ra, nội dung các hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hành vẫn chưa có các điều khoản mà bên mua điện chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư nguồn điện.
Cộng đồng doanh nghiệp hy vọng, Chính phủ và các cấp quản lý nên quan tâm để tạo điều kiện tháo gỡ và tìm các giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch Việt Nam trong thời gian tới, góp phần sớm đưa Nghị quyết 55 “đi vào cuộc sống”.