'Sao đổi ngôi' trên chính trường Anh?

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 4/7 cử tri Anh đi bỏ phiếu bầu hạ viện mới nhiệm kỳ 5 năm. Kết quả các cuộc thăm dò đều dự báo về một thất bại lịch sử của đảng Bảo thủ trước Công đảng đối lập.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, ở Manchester, ngày 4/6/2024. Ảnh: ITV/TTXVN

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, ở Manchester, ngày 4/6/2024. Ảnh: ITV/TTXVN

Sáu đảng chính, gồm Bảo thủ, Công đảng, Dân chủ tự do, Xanh, Cải cách Vương quốc Anh, Dân tộc Scotland (SNP), và các đảng khác sẽ cạnh tranh tại 650 khu vực bầu cử trên toàn Vương quốc Anh (mỗi khu vực có một nghị sĩ đại diện). Đảng giành được nhiều ghế nhất tại hạ viện sẽ trở thành đảng cầm quyền và lãnh đạo đảng trở thành thủ tướng. Theo truyền thống, đảng Bảo thủ và Công đảng thống trị nền chính trị Anh và các đảng nhỏ có ít cơ hội hơn để giành ghế đại diện tại Hạ viện.

Người dân Anh sẽ chọn ra chính phủ và thủ tướng mới trong bối cảnh kinh tế ảm đạm với tăng trưởng yếu, năng suất thấp, đầu tư kém, nợ công cao kỷ lục và những hệ lụy từ Brexit; mức sống người dân giảm với thuế phí, chi phí sinh hoạt và lãi suất vay thế chấp đều cao; làn sóng nhập cư tăng mạnh; dịch vụ công xuống cấp, đặc biệt Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) với danh sách chờ khám chữa bệnh hơn 7 triệu người, làn sóng đình công kéo dài do mức lương người lao động không theo kịp lạm phát...

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), mặc dù có dấu hiệu phục hồi với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2024 tăng 0,7%, mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2021, kinh tế Anh nhìn chung tăng trưởng yếu. So với quý IV/2019 trước dịch COVID-19, nền kinh tế chỉ tăng 1,8%, mức tăng yếu thứ hai trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sau Đức và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,6% của Mỹ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Anh sẽ tụt hậu so với hầu hết các nền kinh tế G7, chỉ đạt tăng trưởng 0,4% năm nay và đứng cuối nhóm G7 năm 2025 với mức tăng 1%. Anh cũng có mức đầu tư/GDP thấp nhất với 18%.

Theo Viện nghiên cứu Tài chính Anh (IFS), kể từ sau đại dịch, nợ công của Anh tăng nhanh và vượt mức trung bình của G7 và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ công của nước này sẽ tiếp tục tăng thay vì ổn định hoặc giảm. Nghiên cứu của IFS công bố hồi tháng 5 cũng cho thấy mức sống của người dân Anh thấp hơn hầu hết các nước giàu khác kể từ năm 2010. Thu nhập trung bình khả dụng chỉ tăng 6% trong giai đoạn 2009-2010 và 2022-2023, so với mức 12% của Mỹ và 16% của Đức. Mặc dù mức tăng lương vượt mức tăng lạm phát, thu nhập khả dụng của hộ gia đình Anh hầu như không đổi kể từ năm 2019 do lãi suất vay thế chấp cao và thuế tăng. Thuế tính theo tỷ lệ GDP tại Anh hiện cao nhất trong vòng 70 năm, tăng từ 32,8% GDP giai đoạn 2012-2013 lên 36,3% trong 10 năm tiếp theo, và đang tiến tới mức 37,2% vào năm 2026-27 theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR).

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và dịch vụ công, các đảng đều đưa ra cam kết thúc đẩy tăng trưởng trong cương lĩnh tranh cử. Thủ tướng Rishi Sunak cam kết đảng Bảo thủ (giành 365 ghế trong cuộc tổng tuyển cử trước) sẽ đẩy mạnh tăng trưởng và giảm khoảng 17 tỷ bảng tiền thuế mỗi năm trong khi tăng chi cho y tế công cao hơn mức tăng lạm phát và tăng chi quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030, thông qua việc kiểm soát gian lận thuế và giảm chi phúc lợi. Đảng cầm quyền cũng cam kết giảm lượng người nhập cư và thực hiện kế hoạch đưa người xin tị nạn đến Rwanda.

Tuy nhiên, sau 14 năm cầm quyền với 5 đời thủ tướng và trải qua nhiều bất ổn chính trị, kinh tế-xã hội, đảng Bảo thủ chia rẽ sâu sắc đang đối mặt với nguy cơ thất bại lịch sử khi uy tín sụt giảm nghiêm trọng với hàng loạt bê bối từ vụ Partygate (chỉ các cuộc tiệc tùng tại Văn phòng Thủ tướng trong thời gian Anh áp lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19) dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, tới kế hoạch ngân sách nhỏ (mini budget) dưới thời bà Liz Truss gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, hủy hoại danh tiếng của Anh cũng như uy tín của đảng Bảo thủ về khả năng điều hành kinh tế. Mới đây nhất, vụ cá cược về ngày bầu cử liên quan tới các quan chức đảng hủy hoại tính liêm chính chính trị của đảng. Tờ The Economist dẫn kết quả các cuộc khảo sát cho thấy 75% số người được hỏi đánh giá đất nước đang ở trong tình trạng tệ hơn so với năm 2010 khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền.

Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế thủ tướng. Là người theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, ông Starmer đã nỗ lực hàn gắn các chia rẽ nội bộ và thành công trong việc xây dựng uy tín của Công đảng (202 ghế), khiến sự ủng hộ của cử tri tăng mạnh.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Starmer cam kết thúc đẩy thịnh vượng, giải quyết tình trạng năng suất trì trệ, khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà ở và cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu (EU). Công đảng khẳng định sẽ thành lập công ty năng lượng sạch của nhà nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng, áp thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đánh vào các công ty dầu khí lớn; đánh thuế các trường tư thục để trả lương cho hàng nghìn giáo viên mới tại các trường công lập; đồng thời giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh trong hệ thống NHS.

Ngoài Công đảng, đảng Cải cách Vương quốc Anh cũng được cho là mối đe dọa đối với đảng Bảo thủ cầm quyền. Lãnh đạo đảng Nigel Farage - người theo chủ nghĩa dân túy với tư tưởng chống nhập cư và ủng hộ Brexit - đang thu hút nhiều cử tri ủng hộ Bảo thủ với cam kết giảm nhập cư và tập trung vào "các giá trị Anh”. Đáng chú ý, Cải cách Vương quốc Anh có được ghế đại diện đầu tiên tại hạ viện trong năm nay khi cựu Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Lee Anderson chuyển sang đảng này.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (11 ghế) Ed Davey cam kết cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội, gồm dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí tại nhà; đầu tư vào năng lượng tái tạo; kiểm soát chặt chẽ các công ty nước xả thải và tái gia nhập thị trường chung EU. John Swinney, nhà lãnh đạo mới của đảng Dân tộc Scotland (48 ghế) cũng khẳng định mong muốn tái gia nhập EU và thị trường chung, tăng cường tài trợ cho y tế công, trong khi đảng Xanh (1 ghế) cam kết đạt mục tiêu net zero vào năm 2040, đầu tư 40 tỷ bảng mỗi năm vào kinh tế xanh từ nguồn thuế carbon, thuế tài sản mới đánh vào người rất giàu và tăng thuế thu nhập đối với hàng triệu người thu nhập cao.

Kết quả thăm dò do The Economist và tổ chức nghiên cứu WeThink thực hiện từ ngày 30/5 đến 21/6 với gần 18.600 cử tri cho thấy Công đảng đang dẫn trước Bảo thủ 20 điểm với tỷ lệ 42% phiếu bầu so với 22%. Đảng Cải cách Vương quốc Anh nhận được 14% số ý kiến ủng hộ, tiếp đến là đảng Dân chủ tự do - 11% và đảng Xanh - 6%. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất giữa các đảng chính trong lịch sử hiện đại của Anh và là thay đổi đáng kể so với cuộc bầu cử năm 2019, khi Bảo thủ dẫn trước 12 điểm.

Dựa trên kết quả cuộc thăm dò quy mô lớn này, tờ The Economist phân tích các xu hướng địa phương, nhân khẩu học kết hợp với thông tin dự báo, đưa ra ước tính Công đảng sẽ giành 429 ghế; Bảo thủ có 117 ghế; Dân chủ tự do kiểm soát 42 ghế; SNP được 23 ghế và Cải cách Vương quốc Anh 2 ghế.

Dù đảng nào giành chiến thắng, chính phủ mới sẽ phải chèo lái đất nước thoát khỏi kinh tế trì trệ, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và đầu tư, hợp lý hóa hệ thống thuế, cải tổ hệ thống quy hoạch, tăng đầu tư, đặc biệt vào nhà ở, cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế, và cải thiện dịch vụ công, đồng thời cam kết chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh.

Theo Giám đốc điều hành Chatham House, Browen Maddox, chính phủ mới cũng cần giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, với những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, gồm cải thiện quan hệ với EU nhằm bù đắp rủi ro do Mỹ giảm sự tham gia ở châu Âu và lấp đầy khoảng trống chính sách hậu Brexit, khôi phục vai trò trong quản trị toàn cầu và phát triển quốc tế, một lĩnh vực thế mạnh của Anh.

Giải quyết những thách thức trên là chìa khóa để chính phủ mới nâng cao mức sống người dân đồng thời khôi phục vị thế của Anh trên trường quốc tế.

Tin bài liên quan