Nhóm cổ phiếu chứng khoán có khả năng sẽ diễn biến giằng co theo hình sin, lên xuống nhiều lần trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có khả năng sẽ diễn biến giằng co theo hình sin, lên xuống nhiều lần trong thời gian tới.

“Sao đổi ngôi” giữa các nhóm cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền vẫn đang tập trung vào các nhóm ngành ước đạt lợi nhuận khả quan trong quý III cũng như quý cuối năm nay, nhưng có thể sẽ không “neo” ở một nhóm cổ phiếu nào quá lâu.

Nhóm chứng khoán đang có mức tăng mạnh nhất

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), chứng khoán là nhóm ngành tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay, có thời điểm ghi nhận mức tăng 109%. Hiện tại, sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường chung, nhóm này có mức tăng khoảng 80% so với đầu năm.

Xét về định giá, P/E bình quân của nhóm ngành chứng khoán đang là 31,5 lần, cao hơn nhiều so với VN-Index (gần 14 lần) và không ít nhóm ngành khác. Điều đó thể hiện mức độ ưu ái của dòng tiền vào nhóm chứng khoán khi thị trường chung có đợt tăng giá kéo dài và thanh khoản được cải thiện mạnh mẽ.

Đợt tăng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 9/2023 là nhờ nhiều yếu tố, trong đó thị trường phản ứng tích cực với chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng. Đặc biệt, sự đảo chiều của chính sách lãi suất với 4 lần hạ lãi suất điều hành đã kích thích một lượng tiền nhàn rỗi không nhỏ tham gia thị trường. Giá và thanh khoản tăng được kỳ vọng sẽ giúp các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận cao. Kỳ vọng vào hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành từ cuối năm nay cũng là động lực thúc đẩy nhóm chứng khoán tăng giá.

Ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, diễn biến ngắn hạn của cổ phiếu chứng khoán thường chịu tác động mạnh từ xu thế thị trường chung, chính sách tiền tệ trong và ngoài nước. Trong quý IV năm nay, dòng chứng khoán có thể đón nhận các thông tin tích cực như mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá tăng luôn ảnh hưởng đến tâm lý của giới đầu tư. Do vậy, nhóm cổ phiếu chứng khoán có khả năng sẽ diễn biến giằng co theo hình sin, lên xuống nhiều lần.

Dòng tiền phân hóa theo các câu chuyện riêng

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS nhận xét, mức độ hấp dẫn của nhóm chứng khoán gần đây hạ nhiệt, nên khi thị trường chung điều chỉnh thì giá cổ phiếu chứng khoán cũng điều chỉnh theo.

Yếu tố neo giữ kỳ vọng của nhà đầu tư đó là kết quả kinh doanh quý III/2023 được dự báo sẽ tiếp tục khả quan, nên hiện tượng “sao đổi ngôi” sẽ khó diễn ra toàn phần, mà chỉ có một lượng tiền chốt lời và luân chuyển sang nhóm khác. Nhìn chung, dòng vốn lớn vẫn sẽ tập trung vào các nhóm dẫn dắt như chứng khoán, đầu tư công...

Hiện tại, dòng tiền phân hóa theo các câu chuyện riêng, bao gồm dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nên mức độ tập trung vào một nhóm ngành cụ thể chưa cao. Theo bộ lọc thống kê sức mạnh cổ phiếu của VPBankS, trong các nhóm ngành đang được nhà đầu tư quan tâm, tín hiệu tích cực được duy trì ở một số cổ phiếu như nhóm ngân hàng là MBB, VPB, STB, HDB, nhóm chứng khoán là SSI, MBS, BSI, FTS, nhóm dầu khí là PVS, PVD, PVT, nhóm hóa chất là DGC, CSV, DCM, BFC, nhóm bất động sản công nghiệp là VGC, SZC, IDC…

Xu hướng các nhóm ngành kể từ đầu năm 2023.

Xu hướng các nhóm ngành kể từ đầu năm 2023.

“Với diễn biến phân hóa theo câu chuyện riêng, có thể dòng tiền sẽ có những quãng nghỉ và chọn lọc cổ phiếu kỹ hơn trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023”, ông Sơn nhận định.

Cho rằng ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu ưa thích của các nhà đầu tư thiên về nắm giữ trung và dài hạn, vì tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, nhưng ông Nguyễn Viết Công lưu ý, một số yếu tố có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh ngành ngân hàng thời gian tới.

Thứ nhất, tình trạng “thừa tiền” có thể kéo dài khi nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế nhìn chung vẫn chậm. Tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm tới ngày 29/9 là 6,92%, mới đạt một nửa mục tiêu tăng trưởng cả năm là 14%. Trong khi đó, lượng tiền gửi của dân cư tăng 8,93% so với đầu năm, đạt 6,38 triệu tỷ đồng. Điều này đã và đang gây ra tình trạng dư thừa vốn trong hệ thống, nếu không có biện pháp kích thích tín dụng ra nền kinh tế thì biên lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN, từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống 30%. Đây là lộ trình đã được đề ra từ trước, nhưng vẫn có thể tạo áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, thu hẹp biên lãi ròng, đồng thời làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay kỳ hạn dài, trong khi nền kinh tế cần được hỗ trợ từ yếu tố lãi suất thấp để tăng trưởng.

“Nhóm ngành ngân hàng nói chung được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, khởi sắc hơn vào năm 2024, khi chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối và xuất hiện xu hướng giảm lãi suất, kích thích làn sóng sản xuất và tiêu dùng mới, kéo theo nhu cầu vốn của nền kinh tế gia tăng”, ông Công nói.

Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, thực tế cho thấy, dù giá tăng mạnh so với đầu năm, dư địa tăng trưởng dần thu hẹp, nhưng vẫn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là những người có chiến lược nắm giữ trung và dài hạn. Bởi lẽ, khi hệ thống KRX đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy thanh khoản mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường, thu hút dòng vốn ngoại…, qua đó mang lại triển vọng kinh doanh tích cực cho khối chứng khoán.

Tất nhiên, sự vận động của các nhóm ngành hiện tại không được đánh giá cao bằng việc lựa chọn các cổ phiếu riêng lẻ có yếu tố tích cực. Sau nhịp tích lũy ngắn hạn, cơ hội sẽ mở ra khi các cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn hơn.

Tin bài liên quan