Cơ quan quản lý viện ra lý do khó xác định thu nhập làm căn cứ tính thuế để áp dụng cách đánh thuế dựa trên giá chứng khoán chuyển nhượng từng lần, là né tránh trách nhiệm, thể hiện trình độ quản lý yếu kém, tại sao người ta làm được, còn mình thì không? Sao lại đẩy khó cho NĐT?
Đó là hàng loạt câu hỏi mà NĐT đặt ra khi phản hồi bài viết “Nhà đầu tư… ức chế vì thuế chứng khoán bất cập”, được ĐTCK đăng tải mới đây. Rất nhiều ý kiến cho thấy tình trạng bất cập của chính sách thuế đối với NĐT cá nhân đầu tư chứng khoán, luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, chứ không như ý kiến của nhà quản lý vẫn đây đó đưa ra mang định kiến chủ quan: “có đáng gì, mức thuế đã quá thấp”, “đâu mấy ai quan tâm”, “chuyện có to tát gì”…
Câu hỏi mà nhiều NĐT đặt ra là, có phải vì nhà quản lý còn coi thuế khóa là chuyện “có to tát gì”, nên chưa quan tâm đến mức cần thiết, để khắc phục một vấn đề nhức nhối mà NĐT khản cổ đề cập từ nhiều năm nay? Nếu nhà quản lý coi đây là chuyện “có to tát gì”, “có đáng gì, mức thuế đã quá thấp”, thì sao không bãi miễn loại thuế này để kích thích NĐT đầu tư vào TTCK, hay chí ít là tính đúng, tính đủ thu nhập, chi phí khi đánh thuế, thay vì cứ để tiếp diễn tình trạng thuế “ăn” vào vốn của NĐT như hiện nay?
Theo nhiều NĐT, chưa cần triển khai các chính sách ưu đãi thuế cho NĐT như nhiều TTCK khác đang áp dụng, chỉ cần khắc phục bất cập của chính sách thuế hiện hành thôi, sẽ hỗ trợ tích cực cho tâm lý của NĐT, tăng niềm tin cho thị trường. Khắc phục bất cập này không khó, vấn đề là nhà quản lý có muốn làm hay không, bởi NĐT chấp nhận chịu thiệt thòi để áp dụng cách đánh thuế trên chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua như nhiều nước đang áp dụng.
Còn nhớ, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, được trình ra Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái, báo cáo của Chính phủ về kinh nghiệm của các nước cho thấy, phương pháp tính thuế dựa trên thu nhập là phổ biến, được nhiều nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... áp dụng. Việc áp dụng cách thức tính thuế dựa trên giá trị giao dịch, tuy có áp dụng ở một số nước nhưng là thiểu số. Điều này cho thấy cách đánh thuế đối với NĐT cá nhân tại Việt Nam đã được ban hành theo mô hình không phổ biến. Lại thêm một ví dụ nữa thể hiện tư duy ban hành chính sách: dễ cho nhà quản lý, khó cho người thực hiện.
Một khi tình trạng đẩy khó NĐT vẫn chưa được khắc phục, mà vấn đề bất cập chính sách thuế chỉ là một điển hình, xa hơn nữa là thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi, để thu hút mạnh hơn dòng vốn từ NĐT cá nhân (đối tượng chủ đạo trên TTCK hiện tại) vào thị trường, thì rõ ràng cơ quan quản lý đang còn nhiều việc phải làm nếu muốn TTCK phát triển tốt hơn.