Năm 2022, PV Oil đạt lợi nhuận sau thuế 726 tỷ đồng, cao gấp rưỡi kế hoạch.

Năm 2022, PV Oil đạt lợi nhuận sau thuế 726 tỷ đồng, cao gấp rưỡi kế hoạch.

Sáng, tối lợi nhuận ngành xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022 được đánh giá là có nhiều biến động “dị biệt” trên thị trường xăng dầu, bức tranh lợi nhuận cuối năm của các doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh sự phân hoá rõ rệt.

Những gam màu đối lập

Năm 2022, thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam chứng kiến nhiều biến động thất thường, đến mức các chuyên gia gọi đó là những biến động “dị biệt”, chưa từng có. Xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022 đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới có lúc lên đến 140 USD/thùng, kéo theo giá xăng dầu trong nước trồi sụt thất thường (giá xăng có thời điểm gần 33.000 đồng/lít).

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã khiến tỷ giá USD/VND tăng cao, ảnh hưởng đến giá nhập khẩu xăng dầu…

Trong bối cảnh đó, thị trường xăng dầu Việt Nam trở nên rối loạn vì đứt gãy chuỗi cung ứng. Hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn chỉ đáp ứng được khoảng 80% nguồn cung, nhiều cửa hàng treo biển nghỉ bán vì không có hàng. Toàn bộ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ đầu mối nhập khẩu đến thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ đều kêu lỗ triền miên vì nhập cao bán thấp…

Tuy vậy, kết thúc năm 2022, các doanh nghiệp này về đích với kết quả có phần đối nghịch. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (với 43 đơn vị thành viên trực tiếp phân phối, 5.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ) ghi nhận 304.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 78% so với mức thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.913 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2021 nhưng vẫn vượt gần 7 lần chỉ tiêu kế hoạch.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, mã OIL) - doanh nghiệp đang vận hành và quản lý hơn 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3.000 đại lý, chiếm 20% thị phần bán lẻ - cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hơn nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, doanh thu cả năm đạt 104.279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 726 tỷ đồng, lần lượt cao gấp đôi và gấp rưỡi so với kế hoạch đặt ra.

Ở chiều ngược lại, khối doanh nghiệp nhỏ lẻ vừa trải qua một năm thất bát nặng nề. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH), với 550 đại lý xăng dầu tại Tây Nam Bộ, lần đầu báo lỗ ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2022, dù doanh thu đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Chia sẻ tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Vũ Đức Cường, đại diện Công ty TNHH Cường Phú (doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang) cho biết, với việc vận hành 5 cây xăng, năm qua, doanh nghiệp chịu lỗ gần 2 tỷ đồng.

Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang tính toán, hiện khối doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có 950 thành viên và 9.000 cửa hàng bán lẻ (chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước) đã chịu lỗ khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng kể từ tháng 3/2022 đến nay.

Điểm nghẽn chính sách

Lãnh đạo Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, sở dĩ doanh nghiệp lỗ đến gần 200 tỷ đồng trong năm 2022 là do giá xăng dầu trong nước và quốc tế biến động tăng làm ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào, dẫn đến tổng chi phí hoạt động quý IV/2022 của Công ty tăng cao hơn cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của PSH, doanh thu trong kỳ đạt 2.211 tỷ đồng thì riêng giá vốn đã chiếm 2.029 tỷ đồng; doanh thu cả năm đạt 7.355 tỷ đồng thì giá vốn đã chiếm tới 7.101 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận gộp mỏng tiếp tục bị chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý (đều tăng mạnh) bào mòn.

Theo ông Hà Thanh Tùng và đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khi thị trường biến động, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu sau hơn một năm áp dụng đã bộc lộ bất cập. Cụ thể, giá xăng dầu do Nhà nước quyết định, nhưng cơ cấu giá thành của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chưa được tính đúng tính đủ các loại chi phí phát sinh, bị giới hạn nguồn nhập khẩu xăng dầu, không được thương lượng mức chiết khấu với nhà phân phối nên có thời điểm chiết khấu bằng 0, thậm chí âm nhưng vẫn phải bán hàng.

“Thậm chí, doanh nghiệp đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí đã có lãi ngàn tỷ, còn chúng tôi lỗ ngàn tỷ do không có gì hỗ trợ”, ông Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban Chính sách kinh doanh của Petrolimex, do Tập đoàn phải có trách nhiệm dự trữ tồn kho xăng dầu 20 ngày nên khi giá dầu thế giới quay đầu giảm, công thức tính giá cơ sở lấy biên độ quá ngắn đã dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu như Petrolimex thua lỗ, không còn nguồn lực để chia sẻ thù lao chiết khấu cho thương nhân phân phối và bán lẻ, đến khi có chút nguồn lực thì lại phải bù lỗ cho giai đoạn trước.

Nhận diện được “điểm nghẽn” chính sách này, từ cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan sửa đổi bổ sung Nghị định 95 (và trước đó là Nghị định 83).

Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến đóng góp điều chỉnh 11 nội dung, bao gồm cách tính giá bán lẻ xăng dầu (tiếp tục để Nhà nước quy định hay giao cho doanh nghiệp tự quyết định); thời gian điều hành/công bố giá (nên giữ nguyên chu kỳ 10 ngày/lần như hiện nay hay rút xuống 7 ngày để cập nhật giá thế giới); quy định mức chiết khấu tối thiểu, chi phí tối thiểu; giữ hay bỏ quỹ bình ổn xăng dầu (BOG); cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, hay chỉ một nguồn như hiện tại...

Tinh thần của cơ quan soạn thảo là điều chỉnh Nghị định sao cho đảm bảo thị trường xăng dầu đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng quốc gia, kiểm soát được lạm phát, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp kỳ vọng sau sửa đổi sẽ có một “phiên bản thị trường hơn của Nghị định 95”, trong đó trao một số công cụ về cho thị trường điều tiết như việc định giá bán lẻ, cách tính chi phí, nguồn nhập hàng…

Bình luận về bức tranh lợi nhuận đối lập của doanh nghiệp xăng dầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng: “Về cuối năm, doanh nghiệp nào báo lãi cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc chúng ta đang điều hành xăng dầu không theo quy luật thị trường đã đánh mất đi độ nhạy bén cũng như tính sẵn sàng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp và tạo tâm lý nghi ngờ cho người tiêu dùng khi thấy doanh nghiệp dù than lỗ nhưng cuối cùng vẫn lãi khủng”.

Petrolimex, PVOIL tiếp tục hưởng lợi

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, năm 2023, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan do giá dầu thế giới dự báo ổn định hơn, giúp giảm thiểu rủi ro trích lập giảm giá hàng tồn kho; nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PVOIL có thể có thêm thị phần khi không ít doanh nghiệp nhỏ rời bỏ thị trường trong năm 2022.

Tin bài liên quan