Những nhà phát triển khu công nghiệp có quỹ đất rộng sẽ thu hút các khách thuê lớn như Samsung, LG… Ảnh: Dũng Minh

Những nhà phát triển khu công nghiệp có quỹ đất rộng sẽ thu hút các khách thuê lớn như Samsung, LG… Ảnh: Dũng Minh

Sáng - tối lợi nhuận khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có sự phân hóa rõ nét, nhưng trong dài hạn, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Người cười nụ

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 và dù trong một ngành, nhưng sự phân hóa là khá rõ nét.

Ở nhóm có kết quả kinh doanh tăng trưởng gọi tên các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP), Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình (mã SZB), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR), Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D-HOSE), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - Công ty cổ phần (mã KBC)...

Cụ thể, trong quý II/2023, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 2.051 tỷ đồng, tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt 393 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Kinh Bắc đạt hơn 4.274 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ (đạt 1.085 tỷ đồng).

Kết quả doanh thu ấn tượng mang đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng đột biến. Trong kỳ, Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận gộp trên 1.492 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt 183 tỷ đồng) và lũy kế 6 tháng đạt trên 3.043 tỷ đồng, tăng hơn 6,5 lần cùng kỳ (đạt 463 tỷ đồng).

Theo đó, lợi nhuận trước và sau thuế quý II/2023 của Kinh Bắc lần lượt đạt hơn 1.027 tỷ đồng và 711,15 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ lần lượt hơn 276 tỷ đồng và lỗ 365,6 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế đạt hơn 2.341 tỷ đồng và 1.806 tỷ đồng, tăng lần lượt 8 lần và 7 lần so với cùng kỳ.

Một cái tên gây ấn tượng khác là Cao su Phước Hòa khi doanh thu quý II/2023 đạt 201 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng, các chi phí không có nhiều biến động nên lợi nhuận sau thuế tăng 128% lên mức 127 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Cao su Phước Hòa đạt doanh thu thuần 527 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ, song cũng nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận trước thuế đạt gần 438 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cả năm.

Đáng chú ý, tính đến cuối quý II/2023, ngoài 185 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, Cao su Phước Hòa còn có 1.928 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, đây là yếu tố chính giúp doanh thu tài chính tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Với Sonadezi Long Bình, kết thúc quý II/2023, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 106 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lãi ròng hơn 41 tỷ đồng, tăng 10% và hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu của Sonadezi Long Bình, doanh thu chính đến từ cho thuê đất và kinh doanh hạ tầng hơn 64 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61% trong tổng doanh thu, còn lại đến từ doanh thu kinh doanh nước hơn 19 tỷ đồng và các hoạt động khác. Lũy kế 6 tháng, Sonadezi Long Bình đạt doanh thu thuần gần 194 tỷ đồng, tăng 7% và lãi ròng gần 69 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Kẻ khóc thầm

Với việc giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng cao và nguồn cầu ổn định trên cả nước, giới chuyên môn cho rằng, cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ còn tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.

Trong quý II/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) ghi nhận doanh thu đạt 1.663,1 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 263,13 tỷ đồng, giảm 1,9%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Đầu tư Sài Gòn VRG đạt doanh thu 3.057,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 442,4 tỷ đồng, giảm tương ứng 1% và 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong một diễn biến liên quan khác, từ ngày 8/8/2023, gần 91 triệu cổ phiếu SIP sẽ chính thức “lên đời” khi chuyển từ thị trường UPCoM sang giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Cũng tại nhóm “giảm tốc” lợi nhuận quý II/2023 còn xuất hiện một số cái tên khác như Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã SCR), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC, mã BCM)…

Với Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, sự hụt hơi thể hiện rõ nét hơn trong quý II/2023 khi doanh thu chỉ đạt 68,71 tỷ đồng, giảm 31,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 3,98 tỷ đồng, giảm 93,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh chính của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín ghi nhận lỗ 5,66 tỷ đồng trong kỳ (trong khi cùng kỳ lãi 87,89 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu đạt 149,73 tỷ đồng, giảm 69,8% và lợi nhuận sau thuế đạt 5,9 tỷ đồng, giảm 95,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong văn bản giải trình gửi tới HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín cho hay, lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do giảm doanh thu hoạt động tài chính.

Còn tại Becamex IDC, doanh thu thuần quý II/2023 đạt 1.286 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cũng giảm 42% xuống 558,9 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 24% xuống 727,1 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu tài chính cũng giảm 85% xuống còn 10,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, các chi phí trong kỳ đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Chi phí tài chính (toàn bộ là lãi vay) tăng 22% lên 269 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 101% lên 252,1 tỷ đồng,chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 89%, lên 124,4 tỷ đồng...

Ngoài ra, Becamex IDC có khoản lỗ khác hơn 96 tỷ đồng trong kỳ. Theo thuyết minh, nguyên nhân là do Công ty hạch toán âm gần 106 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.077,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 106 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 92% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội còn nhiều

Với việc giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng cao và nguồn cầu ổn định trên cả nước, giới chuyên môn cho rằng, cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ còn tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, cho dù có sự phân hoá rõ rệt trong diễn biến giá cổ phiếu cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán AIS nhận định, cổ phiếu nhóm này sẽ tăng trưởng ổn định trong 2 quý cuối năm nay do nguồn thu từ cho thuê đất trong quý II duy trì mức tăng trưởng 2% so với quý trước đó và được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư công được đẩy mạnh cũng hỗ trợ trực tiếp cho nhóm doanh nghiệp này. Khi cơ sở hạ tầng được phát triển sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Một số doanh nghiệp có quỹ đất lớn như Kinh Bắc, Becamex IDC, IDICO, Viglacera… sẽ được hưởng lợi nhờ tệp khách hàng gồm các tập đoàn lớn nước ngoài như Samsung, LG, Foxconn…

Còn theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS), đà tăng trưởng cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong năm nay sẽ tập trung vào doanh nghiệp có quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và nền tảng tài chính lành mạnh.

Phân tích kỹ hơn, nhóm nghiên cứu của MBS cho rằng, ở phía Bắc, các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp có lợi thế về yếu tố vị trí (gần Trung Quốc), giá thuê còn thấp và quỹ đất sạch lớn. Còn ở phía Nam, các doanh nghiệp có dự án khu công nghiệp ở Bình Dương cũng có những lợi thế này như Kinh Bắc, Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC)…

Tin bài liên quan