Covid làm cho việc hồi phục kinh tế trở thành một câu hỏi lớn và nhà đầu tư cần nhìn vào cốt lõi của doanh nghiệp để quyết định giải ngân.
Nhà đầu tư nên nhìn vào cốt lõi của doanh nghiệp
Trở lại thời điểm cách đây gần 7 tháng, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ban đầu vẫn tương đối ổn định nhưng sự sụt giảm của nguồn cung đã khiến nhiều ngành nghề nhanh chóng gặp khó khăn.
Bước sang quý II/2020, hoạt động kinh tế sản xuất của cả nước nằm trọn trong một giai đoạn đầy biến động: lệnh cách ly toàn xã hội và sau đó là giai đoạn bình thường mới kéo dài cho đến nay.
Đây là thời điểm cần thiết để nhà đầu tư nhìn lại kết quả kinh doanh trong quý vừa qua và đánh giá về triển vọng của những nhóm ngành trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, những con số về kết quả kinh doanh trong quý II đã được hầu hết các doanh nghiệp công bố.
Dữ liệu tổng hợp báo cáo tài chính của gần 960 doanh nghiệp phi ngân hàng trong tổng số hơn 1.500 doanh nghiệp trên sàn niêm yết và UPCoM cho thấy bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của thị trường trong quý II (xem bảng).
Về bức tranh tổng thể, quý II/2020, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp giảm 18,4% và 32,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, vẫn có tổng cộng 389/957 doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý II năm nay.
Sự suy giảm kết quả kinh doanh trong quý này đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất, cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4; thứ hai, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn chưa gia tăng và thứ ba là sự kéo dài dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng trên thế giới bị gián đoạn.
Tuy vậy, dù suy giảm so với cùng kỳ nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng, đà giảm của kết quả kinh doanh đã được thu hẹp trong quý II này. Nếu xét về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận trước thuế trong quý II thậm chí tăng trưởng 17% so với quý đầu năm.
Trong bức tranh tổng quan, quý II đã thể hiện khó khăn mà các ngành nghề kinh doanh gặp phải, đồng thời cũng đã phản ánh được sự hồi phục của một số ngành nghề, đi xuyên qua thách thức từ đại dịch.
Bức tranh Quý II/2020 của các DN theo ngành.
Ngành bất động sản chậm lại
Với doanh thu và lợi nhuận lần lượt suy giảm 2,6 và 21,7% so với cùng kỳ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản có phần chậm lại trong quý II/2020.
Nguyên nhân đến từ việc VHM không còn ghi nhận mức lợi nhuận cao như trong quý I và thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng.
Theo số liệu từ CBRE, nguồn cung căn hộ ở thị trường Hà Nội trong quý II năm nay đạt 5.100 căn, giảm 27% so với năm trước. Trong khi đó, ở thị trường miền Nam, tổng nguồn cung mới tại TP.HCM trong quý II/2020 chỉ đạt 1.644 căn, con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính cũng cho thấy áp lực tài chính của các doanh nghiệp đang tăng lên tương đối khi tổng nợ vay tài chính tăng 11,8% trong quý II, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 50,8% so với cùng kỳ.
Ngành kim loại tăng ở một số doanh nghiệp
Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ, song con số tăng trưởng thực dương chỉ đến với một số doanh nghiệp mà không đến với toàn ngành. Chỉ có 9/33 doanh nghiệp thuộc ngành kim loại có mức tăng trưởng dương trong quý II năm nay với sự dẫn dắt của bộ đôi ngành thép là HPG (+25,8%) và HSG (+72%).
Còn lại, bức tranh của các doanh nghiệp kim loại, mà cụ thể hơn là các doanh nghiệp ngành thép vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Lý do đến từ việc nhu cầu xây dựng tăng trưởng chậm hơn và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ chính nội bộ ngành với sự xuất hiện của Khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát.
Sản xuất và phân phối điện cải thiện hiệu quả
So với quý đầu năm, kết quả kinh doanh trong quý II của nhóm sản xuất điện đã có sự cải thiện tương đối tích cực khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25,4% so với năm trước.
Ở nhóm thủy điện, bất chấp tình hình thời tiết vẫn còn khô hạn trong quý II, đã có một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh dương như CHP (+73,7%), DNH (+125,7%), HNA (+76%), TBC (+20,3%).
Mặc dù vậy, dẫn dắt tăng trưởng của các doanh nghiệp điện trong quý này vẫn thuộc về nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện. Điển hình là các doanh nghiệp NT2 (+20,3%), PGV (+723,4%), POW (+7,7%), HND (+33,1%). Ngành điện là một trong những ngành ít chịu tác động nhất từ đại dịch Covid-19.
Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ kết thúc vào nửa cuối năm nay, nên tình hình thủy văn sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thủy điện. Theo đó, nửa cuối năm, dự báo kết quả của các doanh nghiệp thủy điện sẽ cải thiện hơn so với đầu năm.
Sản xuất thực phẩm ổn định
Ngành thực phẩm là một trong những ngành ít chịu tác động của đại dịch nhất, do đây là nhóm ngành phục vụ nhu cầu ăn uống thiết yếu của người dân trong nước.
Chính sự ổn định của toàn ngành, bức tranh của ngành là sự phân hóa theo câu chuyện của từng doanh nghiệp. Với DBC, câu chuyện về giá thịt heo ở mức cao trong các quý đầu năm đã giúp doanh nghiệp đạt được những con số kinh doanh đột biến so với năm trước.
Bên cạnh đó, diễn biến hồi phục của giá đường đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng dương ấn tượng trong quý II như SLS (+171,9%), LSS (+28%). Ngoài ra, giá đầu vào là giá dầu cọ đang ở mức thấp cũng giúp các doanh nghiệp kinh doanh dầu ăn được hưởng lợi như TAC, VOC.
Xây dựng và vật liệu xây dựng tăng vững
Điểm sáng của kết quả kinh doanh quý II thuộc về các doanh nghiệp xây dựng. Mặc dù chỉ tăng 4,5% về mức lợi nhuận so với cùng kỳ, nhưng nếu so với quý trước đó thì doanh thu và lợi nhuận của toàn ngành tăng lần lượt là 19,2% và 88,1%.
Trong ngành xây dựng, đã có sự phân hóa giữa nhiều doanh nghiệp xây dựng sau nhiều quý suy giảm, đây là dấu hiệu của sự hồi phục của ngành trong thời gian tới.
Với nhóm vật liệu xây dựng, nổi bật nhất là các doanh nghiệp khai thác đá, với chất xúc tác là kỳ vọng được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh trong năm nay. Có thể kể đến các doanh nghiệp như C32 (+59,8%), DHA (+49,2%), NNC (+17,8%).