Nhiều doanh nghiệp ngành thép có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2016

Nhiều doanh nghiệp ngành thép có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2016

Sáng tối bức tranh lợi nhuận quý I

(ĐTCK) Ngày 20/4 là thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính quý I/2016 đối với công ty niêm yết, nhưng hiện có chưa đến 300 DN công bố báo cáo này, trong tổng số hơn 700 DN trên 2 sàn. Với các DN đã có báo cáo, kết quả kinh doanh cho thấy hai mảng màu chính, đối lập nhau.

Mảng sáng - tăng trưởng mạnh

CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PXT) vừa công bố, quý I/2016, doanh thu đạt 150 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng, gấp 50 lần cùng kỳ năm 2015 (quý I/2015 chỉ đạt 255 triệu đồng).

So với kế hoạch năm 2016 là doanh thu 600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 62,5%. Hiện PXT đang tìm kiếm đối tác để bán tài sản tầng 6 Petroland Tower, quận 7, TP HCM, diện tích 1.194 m2, để có nguồn kinh phí phục vụ sản xuất - kinh doanh.

CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2016 tăng trưởng mạnh. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 87,56 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng đạt hơn 12 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.

Quý I/2016, PXT lãi sau thuế 12,5 tỷ đồng, gấp 50 lần cùng kỳ, PPI lãi 12 tỷ đồng, tăng gần 3 lần, VIS lãi 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 40 tỷ đồng, HSG lãi 418 tỷ đồng, trong khi PPC lỗ ròng hợp nhất 157 tỷ đồng, DDV lỗ 37,3 tỷ đồng, FDC lỗ 2,18 tỷ đồng...

Theo giải trình từ phía Công ty, lợi nhuận tăng mạnh là do trong kỳ, PPI tập trung triển khai thi công các dự án lớn như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật quận 9, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, ĐT 721 Đạ Tẻh - Lâm Đồng, Quốc lộ 91 - An Giang, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

Đối với CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), quý I năm nay ghi nhận hơn 90 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái; giá vốn hàng bán trong kỳ giảm mạnh đã giúp lợi nhuận gộp đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 20,35%.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, CTCP Thép Việt Ý (VIS) đạt lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng trong quý I/2016, trong khi quý I/2015 lỗ gần 40 tỷ đồng.

Về kết quả này, theo VIS, thị trường thép thế giới có dấu hiệu phục hồi do Trung Quốc không thể tiếp tục giảm giá bán, đồng thời thị trường bất động sản trong nước “ấm” lên, kéo theo sự khởi sắc của thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có mặt hàng thép và Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép, thép dài đã giúp cho giá thép xây dựng trở về giá trị thực.

Ngoài ra, VIS cũng đã triển khai các biện pháp quản lý, giảm tồn kho, khai thác các yếu tố làm giảm giá thành sản xuất.

Tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), do niên độ kế toán sớm hơn 1 quý so với các DN khác, nên tháng 4/2016 là thời điểm HSG phải công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu niên độ tài chính 2015 - 2016 (từ 1/10/2015 đến 30/9/2016).

Trong đó, tính riêng quý II của niên độ tài chính này, tức từ ngày 1/1 đến 30/3, HSG đạt 4.118 tỷ đồng doanh thu thuần, lũy kế 6 tháng đạt 8.029 tỷ đồng, hoàn thành hơn 56% kế hoạch cả niên độ; lợi nhuận sau thuế đạt 418 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ niên độ trước đó. 

Mảng tối - thua lỗ

CTCP Nhiệt điện Phả lại (PPC) vừa công bố khoản lỗ ròng hợp nhất 157 tỷ đồng trong quý I/2016. PPC thua lỗ không quá bất ngờ, vì trước đó lãnh đạo DN này đã đưa ra dự báo về khoản trích lập dự phòng tỷ giá (Công ty có khoản vay lớn bằng đồng Yên Nhật).

Riêng quý I/2016, PPC đã phải trích lập dự phòng 262 tỷ đồng do đồng Yên tăng giá. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh trong kỳ của PPC cũng không thực sự tốt khi doanh thu thuần sụt giảm 15%, giá vốn giảm thấp hơn (giảm 11,5%), nên lãi gộp giảm 61% so với cùng kỳ năm trước, đạt 52 tỷ đồng.

CTCP DAP-Vinachem (DDV) đạt 113,9 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2016, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm 2015 và lỗ sau thuế 37,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 532 triệu đồng.

CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP. HCM (FDC) có quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi DN này niêm yết (năm 2010). Cụ thể, quý I/2016, Công ty đạt 1,44 tỷ đồng doanh thu, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái; gần như toàn bộ doanh thu đến từ hoạt động cho thuê văn phòng, mà không có một đồng doanh thu nào từ bán dự án bất động sản.

Trong kỳ, FDC ghi nhận lỗ ròng 2,18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 783 triệu đồng. FDC vừa có công văn xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ năm 2016, nhưng sẽ tổ chức trước ngày 30/6.

Trên thực tế, con số lợi nhuận quý I/2015 “chưa nói lên tất cả” bởi có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố biến động bất thường như tỷ giá, dự phòng tài chính… Do đó, hướng đi của các doanh nghiệp trong các quý tiếp theo mới là quan trọng.       

Tin bài liên quan