Những điểm sáng…
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm qua, Ngân hàng đạt lợi nhuận 7.300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2014, VietinBank có tổng tài sản trên 660.000 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 18,4% so với cuối năm 2013; nợ xấu ở mức 1,33%. VietinBank vẫn tiếp tục giữ vững vị trí là ngân hàng có quy mô, hiệu quả hoạt động tốt nhất trong hệ thống.
Ngân hàng TMCP gốc quốc doanh khác là BIDV vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2014, với tổng tài sản đạt trên 655.000 tỷ đồng (tăng trưởng 18% so với 2013); dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%; tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Trong năm qua, nguồn vốn huy động của BIDV tiếp tục tăng trưởng tốt, đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ; thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 1.700 đồng; hệ số an toàn vốn (CAR) đạt trên 9%.
TPBank, ngân hàng trong nhóm quy mô trung bình, sau khi thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, thay đổi nhận diện thương hiệu đã có một năm 2014 khá thành công. Theo nguồn tin từ TPBank, kết thúc năm tài chính 2014, tổng tài sản của Ngân hàng đạt trên 51.500 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 50% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế (sau khi trích đủ dự phòng tín dụng) đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, xử lý và thu hồi được nhiều khoản nợ xấu cũ và không để phát sinh mới, nên tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm của TPBank chỉ ở mức 1%, thấp hơn rất nhiều so với mức 3% cho phép theo quy định. Các chỉ tiêu hoạt động khác như tổng huy động đạt trên 47.000 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; số lượng khách hàng tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2013.
Còn SCB, ngân hàng đầu tiên được tái cấu trúc thông qua hợp nhất ba tổ chức tín dụng, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng, kết quả kinh doanh năm 2014 đạt chỉ tiêu ĐHCĐ đặt ra từ đầu năm; đồng thời, xử lý cơ bản các mục tiêu, nội dung theo Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng.
Techcombank và LienVietPostBank, mặc dù chưa công bố chính thức, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, cũng có kết quả kinh doanh 2014 khá khả quan.
Xét trên toàn hệ thống, điểm sáng đáng chú ý, theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT một ngân hàng là dù gặp rất nhiều khó khăn, song các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động.
“Đến cuối tháng 11/2014, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt xấp xỉ 436.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2013, tăng 23% so với cuối năm 2011”, vị Chủ tịch trên chia sẻ.
… và mảng tối ngành ngân hàng
Tuy nhiên, nhận định về bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2014, một chuyên gia kinh tế cho rằng, có sự phân hóa mạnh. Các ngân hàng lớn, với lợi thế thương hiệu, huy động được vốn rẻ, tăng trưởng tín dụng cao, bên cạnh đó có nhiều nguồn thu từ dịch vụ sẽ có lợi nhuận cao. Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ, “thấp bé, nhẹ cân”, theo vị chuyên gia, sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2014, thậm chí có thể thua lỗ.
Nhìn về năm 2015, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự cảm, đây sẽ là một năm rất khó khăn với ngành ngân hàng, bởi nợ xấu được điều chỉnh mạnh theo quy định của Thông tư 02/2012 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn phân loại và trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu với những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Bên cạnh đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới sẽ siết chặt về điều kiện cho vay.
“Năm 2015, các ngân hàng sẽ đối diện với nhiều khó khăn để có thể duy trì được lợi nhuận như năm 2014”, TS. Hiếu nói.
Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, từ cuối năm 2014, các khối, phòng, ban trong ngân hàng đã phải lên kế hoạch và nhận mức kinh doanh cho năm 2015, nhưng những con số Ban lãnh đạo nhận được “rất đáng thất vọng”. Dù chia sẻ với những khó khăn của nhân viên, nhưng Ban lãnh đạo Ngân hàng vẫn buộc phải đẩy chỉ tiêu định mức của các khối kinh doanh, phòng ban lên. Song song với đó, Ngân hàng triệt để tiết giảm các khoản chi phí để đảm bảo lợi nhuận.
“Dẫu vậy, tôi phải thừa nhận là hết sức phấp phỏng với lợi nhuận năm 2015”, vị Tổng giám đốc trên chia sẻ.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là nợ xấu chưa thể giải quyết dứt điểm, nên hệ thống ngân hàng cũng khó có lợi nhuận cao trong năm 2015 và vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro…
“Nhờ những biện pháp chỉ đạo sát sao của NHNN và những nỗ lực của ngân hàng, nợ xấu đã được xử lý bước đầu. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đảm bảo vẫn diễn ra khá chậm chạp, chủ yếu là do những quy định phức tạp, rất khó thực thi của pháp luật hiện hành. Mặt khác, năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro của VAMC còn rất khiêm tốn cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường…”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á nhìn nhận.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, khắc nghiệt hơn, các ngân hàng quy mô nhỏ khó có thể kỳ vọng lợi nhuận tốt trong năm 2015. Việc hợp nhất, sáp nhập với một ngân hàng mạnh hơn là xu thế không thể tránh khỏi của những ngân hàng này trong thời gian tới.