Nhạy bén chuyển đổi cơ cấu sản phẩm
Năm nay, nhiều thị trường xuất khẩu bị “tắc nghẽn” vì dịch bệnh Covid-19, dẫn đến tồn kho cao, trong đó có ngành dệt may. Mục tiêu giá trị xuất khẩu các sản phẩm dệt may 42 tỷ USD đề ra từ đầu năm rất có thể không hoàn thành khi 10 tháng đầu năm mới thu về gần 25 tỷ USD.
Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nhiều khả năng sụt giảm.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp dệt may đang ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, nhờ nhạy bén chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, thích ứng với nhu cầu tiêu dùng mùa Covid-19.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã chuyển đổi phần lớn cơ cấu sản phẩm, tập trung vào khẩu trang, đồ bảo hộ. Theo lãnh đạo TCM, cùng sản xuất đồ bảo hộ nhưng Công ty có lợi thế hơn các đơn vị khác ở thị trường xuất khẩu và lượng hàng xuất đi luôn cao hơn mặt bằng chung của ngành.
Bên cạnh đó, giá đầu vào thấp hơn của nhóm sản phẩm mới này so với hàng truyền thống đem lại hiệu suất sinh lời cao cho TCM.
Trong quý III/2020, TCM xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt, đặc biệt lãi ròng tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 2.718 tỷ đồng, giảm 2,5%, nhưng lợi nhuận đạt 200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, TCM đã hoàn thành 71,9% kế hoạch doanh thu năm và vượt 5,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chủ động nguồn nguyên liệu tại thị trường trong nước góp phần giúp TCM vượt qua bão Covid-19.
Trong năm 2019, khoảng 86% sợi được sử dụng tại TCM có nguồn gốc trong nước, 10% nhập khẩu từ Trung Quốc, 2% từ Hàn Quốc và 2% từ các nước khác. Do đó, khi Covid-19 xảy ra, Công ty có thể chủ động lựa chọn mua vải từ nhà cung cấp khác hoặc tự sản xuất.
Một doanh nghiệp dệt may khác là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG) cũng đã thích nghi kịp thời với Covid-19 khi nhanh chóng nhập nguyên liệu vải từ Hàn Quốc để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn.
Sự nhạy bén này đã giúp doanh thu của TNG trong quý I/2020 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đến quý III, doanh nghiệp chủ động dừng sản xuất khẩu trang khi thấy thị trường có dấu hiệu bão hòa. 9 tháng đầu năm, TNG đạt 3.529 tỷ đồng doanh thu, giảm 1%; lãi ròng 129 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo Công ty cho biết, kết quả kinh doanh suy giảm do khách hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong khi các chi phí sản xuất, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn giữ nguyên.
Mở rộng mặt hàng và thị trường
Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) có kết quả kinh doanh trồi sụt trong nhiều năm trước, nhưng 9 tháng đầu năm nay có diễn biến tích cực so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt doanh thu gần 807 tỷ đồng, tăng 91% và ghi nhận lãi ròng trên 66 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF Mai Hữu Tín, Công ty đã đưa nhà máy mới thứ tư - TTFC2 - vào hoạt động trong năm 2020 sau nhà máy Casadora, TTF Cabinet 1, TTF Sofas. Ngày 15/10, container hàng xuất khẩu đầu tiên của nhà máy tủ bếp số 2 đã rời nhà máy.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, TTF đã nỗ lực duy trì đơn hàng và mở rộng thị trường bằng chất lượng và sự sáng tạo trong từng sản phẩm.
Lĩnh vực bán lẻ cũng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, khiến Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) phải đóng cửa gần 30% số cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh vào tháng 4/2020, dù đây là tháng cao điểm bán hàng hàng năm. Trong quý II/2020, doanh nghiệp này ghi nhận tăng trưởng âm.
Sang quý III, hoạt động kinh doanh của mảng điện thoại, linh kiện, phụ kiện điện thoại trong chuỗi Thế giới di động chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, lợi nhuận của MWG tăng trưởng dương nhờ bán rau, thực phẩm trong chuỗi Bách hóa xanh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, chuỗi Bách hóa xanh đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 19% tổng doanh số của MWG. Tính đến 30/9/2020, Bách hóa xanh có tổng cộng 1.623 điểm bán, tăng 28 cửa hàng trong tháng 9 và tăng 137 cửa hàng trong quý III.
Bên cạnh sự sáng tạo trong kinh doanh, việc tối ưu các khoản chi phí cũng được các doanh nghiệp chú trọng.
Sáng kiến cửa hàng doanh thu 5 tỷ đồng là một điểm mới trong bức tranh kinh doanh của MWG năm nay.
Tính đến cuối tháng 9, Bách hóa xanh có 35 cửa hàng “5 tỷ” tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre và hướng đến mục tiêu có 100 cửa hàng “5 tỷ” vào cuối năm.
Cùng với đó, để cải thiện tăng trưởng cho nhóm ngành điện thoại, MWG tiếp tục mở mới các cửa hàng Điện máy xanh mini/ supermini và triển khai bán hàng thành công cho các sản phẩm mới ra mắt.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của MWG ghi nhận doanh thu 81.352 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế 2.978 tỷ đồng, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2020.
Tại Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.546 tỷ đồng, tăng 45%; lãi ròng đạt 189 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
GIL sản xuất các mặt hàng dệt may như túi xách, balo, quần áo… Công ty có lợi thế khi hai đối tác lớn nhất hiện nay là Amazon, IKEA đều kinh doanh tăng trưởng giữa đại dịch khi có kênh bán hàng online mạnh.
Năm 2020 chuẩn bị khép lại, các doanh nghiệp đang tăng tốc để về đích kế hoạch năm. Bên cạnh sự sáng tạo trong kinh doanh, việc tối ưu các khoản chi phí cũng được các doanh nghiệp chú trọng.
Nói như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung, Covid-19 là dịp để doanh nghiệp có cơ hội nhìn lại, rèn lại sự kiên cường và quản lý tốt hơn. Doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ trụ lại và tự tin vượt qua cơn bão này.