Xây dựng quan hệ đối tác để huy động nguồn lực
Xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với các thể chế đa dạng như thể chế tài chính nhà nước và tư nhân, các đối tác phát triển truyền thống và đối tác phát triển mới sẽ là một trọng tâm trong Chiến lược 2030 để huy động thêm nguồn lực cho các hoạt động ở khu vực nhà nước và tư nhân của ADB. Một trong những thước đo chính đối với thành công của ADB sẽ là khối lượng và chất lượng các nguồn lực bổ sung mà Ngân hàng huy động được bên cạnh nguồn tài trợ riêng của mình.
Đối với chỉ tiêu đồng tài trợ dài hạn cho các hoạt động ở khu vực tư nhân, ADB đặt mục tiêu có sự gia tăng đáng kể trong đồng tài trợ dài hạn tới năm 2030, với mỗi 1 USD tài trợ cho hoạt động ở khu vực tư nhân sẽ mang lại 2,5 USD đồng tài trợ trong dài hạn.
Ông Tomoyuki Kimura, Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Bên cạnh đó là việc huy động tài chính từ các nguồn thương mại. ADB sẽ gia tăng nỗ lực để huy động tài trợ từ các nhà đồng tài trợ và nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân, cũng như tăng cường tác dụng đòn bẩy từ nguồn tài chính của Ngân hàng. ADB sẽ tìm kiếm các cơ hội đồng tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng - nơi nhu cầu tài chính là rất cao, đồng thời tích cực sử dụng các sản phẩm tăng cường tín dụng, gồm các khoản vay loại B, bảo lãnh rủi ro một phần, bảo lãnh tín dụng một phần, chuyển giao rủi ro của các khoản vay của ADB cho công ty bảo hiểm và các thỏa thuận chia sẻ rủi ro trong tài trợ thương mại để thu hút dòng vốn tư nhân.
Chưa kể, Ngân hàng cũng sẽ tận dụng sự kết hợp riêng có giữa hiểu biết về tài trợ tư nhân cùng mối quan hệ sâu sắc với các chính phủ để cung cấp những giải pháp sáng tạo.
Liên quan đến vấn đề bảo lãnh và hợp vốn, ADB sẽ bảo lãnh và sau đó hợp vốn các dự án lớn, gồm cả bằng đồng nội tệ, để bảo đảm khả năng sẵn có nguồn tài chính cho các nhà bảo trợ dự án.
Mở rộng quan hệ đối tác với các quỹ
Để tối ưu hóa các cơ hội nhằm huy động nguồn tài chính tư nhân dài hạn, ADB sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các quỹ, các công ty bảo hiểm và hưu trí tại châu Á, cũng như trên toàn cầu. Dựa trên thành công của Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân châu Á (với nguồn vốn đầu tư cổ phần hiện tại từ Nhật Bản), ADB sẽ mở rộng các nền tảng để quản lý quỹ của bên thứ ba. Những thể chế này sẽ đồng tài trợ với các hoạt động ở khu vực tư nhân của ADB, dựa trên việc lựa chọn và quản lý giao dịch của Ngân hàng.
Đối với việc xúc tác đầu tư thông qua các quan hệ đối tác công tư, ADB sẽ giúp các quốc gia huy động được nguồn lực tài chính trên phạm vi rộng hơn. Với sự hỗ trợ của ADB, việc xây dựng, cấu trúc và chuẩn bị những dự án PPP sẽ khả thi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân. ADB sẽ tăng cường sử dụng Quỹ Chuẩn bị dự án châu Á và Thái Bình Dương (hiện đang được hỗ trợ bởi Australia, Canada và Nhật Bản) cùng các quỹ phát triển dự án khác để hỗ trợ các hoạt động chuẩn bị dự án PPP.
Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ huy động tài chính từ các nguồn ưu đãi. Việc huy động nguồn tài trợ ưu đãi từ các đối tác phát triển song phương và đa phương - như Quỹ Khí hậu xanh, Quỹ Đầu tư khí hậu và Quỹ Môi trường toàn cầu - luôn là một hoạt động chủ chốt trong nỗ lực huy động nguồn lực của ADB.
Thực tế, tài trợ ưu đãi là một công cụ thiết yếu cho các quốc gia thành viên đang phát triển (DMC) để tài trợ cho các dự án trong khi bảo đảm tính bền vững nợ. Dựa trên kinh nghiệm hoạt động rất thành công trong việc quản lý các nguồn tài trợ ưu đãi hỗn hợp từ Quỹ Công nghệ sạch và Quỹ Khí hậu Canada cho khu vực tư nhân ở châu Á, ADB sẽ sử dụng một cách chọn lọc các nguồn lực ưu đãi để xúc tác nguồn lực từ khu vực tư nhân nhằm hỗ trợ các dự án có tác động phát triển cao với tiềm năng lớn trong việc thí điểm hình mẫu, nhân rộng, gia tăng quy mô và bảo đảm tính bền vững về thương mại theo các nguyên tắc đã được nhất trí.
Nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện là một trong những ưu tiên hỗ trợ của ADB
Về việc mở rộng hợp tác với các đối tác mới và đang nổi lên, ADB sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn và tổ chức thiện nguyện. Các giải pháp tài trợ sáng tạo sẽ được khai thác để gia tăng khả năng sẵn có nguồn lực cho các dự án. ADB sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác đa phương mới như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển mới.
ADB sẽ tìm kiếm thêm các nguồn viện trợ không hoàn lại cho các quỹ tín thác với một hoặc nhiều nhà tài trợ của mình. ADB sẽ bảo đảm triển khai một cách hiệu quả và hiệu suất các nguồn lực này cho những dự án đầu tư được tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng năng lực, chuẩn bị dự án, cũng như các hoạt động tri thức. Trong sự tương tác chặt chẽ với các bên góp vốn, ADB sẽ sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả để thúc đẩy sự sáng tạo, tăng cường chất lượng dự án và cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho hoạt động triển khai dự án.
Sử dụng những công cụ sáng tạo
Như một phần trong nỗ lực huy động vốn của mình, ADB, thông qua các nghiệp vụ nguồn vốn, sẽ tiếp tục sử dụng những công cụ sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu nước và trái phiếu năng lượng sạch, đồng thời khai thác mạnh hơn nữa các trái phiếu phát triển bền vững (SDG) và trái phiếu Ả Rập để huy động ngân sách cho hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, ADB sẽ giúp các quốc gia DMC xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi và cơ sở hạ tầng có chất lượng cần thiết để thu hút đầu tư tư nhân thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, cho vay chính sách và cho vay dự án. Những phân tích cập nhật về các hạn chế thị trường chủ chốt thu được thông qua các hoạt động ở khu vực tư nhân sẽ giúp cung cấp thông tin cho các hoạt động ở khu vực công trong những lĩnh vực này.
Trong đó, đáng chú ý là vấn đề tăng cường huy động nguồn lực trong nước. Các khoản đầu tư công từ ngân sách chính phủ là phương thức cơ bản để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ích. Để huy động thêm nguồn vốn trong nước, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ của các quốc gia DMC tăng cường hệ thống thuế và quản lý chi tiêu. Ngân hàng cũng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả quản lý nợ để bảo đảm tính bền vững nợ, phối hợp với các đối tác phát triển khác.
Sự hỗ trợ của ADB cho các quốc gia DMC trong việc xây dựng các thể chế tài chính và thị trường vốn sẽ giúp thu hút dòng tiền tiết kiệm của khu vực một cách hiệu quả hơn để phục vụ đầu tư sản xuất. Việc mở rộng các hoạt động sử dụng đồng nội tệ của ADB sẽ giúp phát triển các thị trường đồng nội tệ và giảm thiểu rủi ro.
Trong Chiến lược 2030, ADB sẽ duy trì các nỗ lực của mình để xóa nghèo cùng cực và mở rộng tầm nhìn tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. ADB sẽ giúp khu vực này thịnh vượng bằng cách duy trì tăng trưởng kinh tế có chất lượng và tạo ra cơ hội việc làm, thúc đẩy sự đồng đều để bảo đảm rằng các thành quả kinh tế được chia sẻ rộng rãi, cũng như sẽ hỗ trợ tính thích ứng và bền vững của các quốc gia và thúc đẩy hợp tác hội nhập khu vực.