Trong sáng nay (21/5), các đại biểu sẽ có buổi họp riêng, thảo luận tại các đoàn đại biểu về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
“Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngay bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIII đã khẳng định như vậy.
Không chỉ là vấn đề an ninh, chính trị, chủ quyền quốc gia, các diễn biến trên biển Đông được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh mà theo nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro.
“Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; cơ chế, chính sách xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, bất cập...”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định như vậy khi đọc báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014.
Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIII cho biết, những tháng đầu năm, nền kinh tế đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, với tăng trưởng GDP quý I/2014 đạt 4,96%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012. Trong khi đó, lạm phát được kiềm chế tốt, sau 4 tháng chỉ ở mức 0,88%.
Tuy nhiên, trong khi phục hồi kinh tế còn chậm chạp, việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và những diễn biến mới đây liên quan đến các hành vi manh động phá hoại cơ sở sản xuất, trong đó có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, được cho là rất nghiêm trọng, mà nếu không được khắc phục, sẽ tác động tiêu cực đến xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
“Tình hình biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội, đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2014 và những năm sau”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.
Trên thực tế, đây cũng chính là một trong những lý do khiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp ngay trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIII đã đề xuất phải đưa vấn đề biển Đông thảo luận tại Quốc hội.
Tại phiên họp này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nhận định rằng, dù tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm khá khởi sắc, song 8 tháng còn lại của năm sẽ hết sức khó khăn vì tình hình biển Đông.
Câu hỏi đặt ra lúc này là, bên cạnh các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, phải làm sao để hạn chế những tác động của vấn đề biển Đông đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam?
Trong một báo cáo trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất - kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, phải đề ra được các giải pháp, chính sách phù hợp, chủ động trong điều hành các chính sách cân đối vĩ mô, ổn định và phát triển sản xuất của các ngành, lĩnh vực, các địa phương, doanh nghiệp, việc làm và ổn định đời sống người dân.
Trình bày báo cáo bổ sung của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, trước các diễn biến ở biển Đông, phải chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, các ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…
Trong một động thái khác, theo thông tin của Báo Đầu tư, chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với ông Hoàng Chí Bằng, Trưởng văn phòng Đài Bắc và đại diện Hiệp hội Thương gia Đài Bắc để trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi hành vi manh động phá hoại cơ sở sản xuất ở một số địa phương trong tuần trước.
Hai bên đã cam kết phối hợp để sớm ổn định tình hình, bảo vệ nhà đầu tư và không để tái diễn các vụ việc đáng tiếc tương tự. Việc thống kê thiệt hại cũng sẽ được thực hiện, trên cơ sở đó, sẽ có hướng xử lý thích hợp.
Ngoài việc thảo luận về tình hình biển Đông, sáng nay, Quốc hội còn nghe Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cũng được thảo luận chiều nay.