Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến, qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Theo chương trình kỳ họp trình Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp trù bị, đầu phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá nội dung trên.
Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2.
Ở cả ba báo cáo này, tác động của Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội sẽ được đề cập khá rõ nét.
Tại báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội gửi Quốc hội, Chính phủ khái quát, năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tuy có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô. Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao.
Chính phủ cũng đã gửi báo cáo riêng về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Uỷ ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra nội dung này.
Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày thẩm tra về công tác phòng, chống Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong Nghị quyết 30, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện một số giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh.
Cũng tại phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội...
Chiều nay (20/10), Quốc hội sẽ nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán và phương án phân bổ năm 2022; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê...
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến dành 2,5 ngày làm việc để chất vấn các thành viên Chính phủ.
Được biết, trả lời báo chí về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong buổi họp báo trước kỳ họp, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi 63 đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến về nội dung này.
"Đến thời điểm này có 54 đoàn đại biểu Quốc hội và 23 đại biểu gửi đề nghị về Quốc hội. Chúng tôi đã có tổng hợp bước đầu có 59 nhóm vấn đề", ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, quyết định nhóm chất vấn và người trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cụ thể là tất cả các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
"Dự kiến khoảng từ 27-28/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu. Sau khi đại biểu gửi ý kiến về thì Thường vụ Quốc hội sẽ họp, quyết định vấn đề nào sẽ đưa ra chất vấn, Bộ trưởng nào sẽ được chất vấn. Còn Thủ tướng thì đương nhiên sẽ trả lời chất vấn", Tổng Thư ký nói.
Ông Cường nhắc lại tiêu chí chọn vấn đề chất vấn như những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm; không chất vấn vấn đề đã có trong nghị quyết chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng…
"Đến thời điểm này chưa nói được chủ đề gì và ai sẽ trả lời chất vấn", Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm.