Lợi nhuận mảng lõi cao nhờ tín dụng tăng trưởng tốt
Sau khi ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý I, nhiều ngân hàng dự báo bức tranh kết quả kinh doanh tiếp tục tích cực trong quý II/2022. Một trong những căn cứ cho dự báo này là tín dụng - mảng kinh doanh lõi, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của các nhà băng - tăng trưởng tốt trong quý này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 18/6/2022, tín dụng toàn ngành đạt mức tăng 8,20% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, tính đến ngày 27/5/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Như vậy, tín dụng toàn nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, dù rằng một số ngân hàng đã sử dụng hết “quota” từ cuối quý I/2022.
Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô lớn thừa nhận, cầu vốn tăng cao sau đại dịch nên đến cuối tháng 5/2022, room tín dụng chỉ còn lại rất ít. Nếu như những năm trước, phải đến quý III/2022, lợi nhuận của các ngân hàng mới cải thiện tích cực theo đà tăng của tín dụng thì năm nay, tăng trưởng tín dụng cũng như lợi nhuận của các nhà băng đã khởi sắc mạnh ngay từ hai quý đầu năm.
Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay là khoảng 1.000 tỷ đồng, lãnh đạo ngân hàng trên cho hay, ước tính 6 tháng đầu năm đã hoàn thành được một nửa kế hoạch.
Ngay cả nhà băng vừa trải qua quá trình tái cấu trúc bộ máy hoạt động như Eximbank cũng dự kiến kết quả kinh doanh được cải thiện trong 2 quý đầu năm. Một nguồn tin từ Eximbank cho hay, ước tính lợi nhuận quý II của Ngân hàng cao hơn quý I.
Trước đó, báo cáo tài chính quý I/2022 của Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 809 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ giảm trích dự phòng nợ xấu (nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Thông tư 01, Thông tư 03 và 14) giảm. Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng dự kiến năm nay sẽ vượt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng và chia cổ tức cao.
57,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2022 tăng.
Kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.
Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng. Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, điều này giúp các ngân hàng có thêm cơ hội để giảm dự phòng rủi ro, nhất là khi có nhiều khoản nợ tái cơ cấu, khách hàng đã chủ động trả trước hạn khi có nguồn tiền về để tạo lịch sử tốt cho các đợt vay sau... Đây cũng là cơ sở để các nhà băng kỳ vọng lợi nhuận quý II tăng.
Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cũng nhận định, khả năng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II/2022 vẫn cải thiện tốt.
Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2022 được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong cả năm 2022, tương đương kết quả của kỳ điều tra trước. Đồng thời, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục tăng trong quý II và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Nợ xấu kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý II. Đồng thời, 57,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2022 tăng. Trong đó, 56,7% tổ chức tín dụng dự báo “tăng nhẹ”, 33,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi”, chỉ có 8,7% lo ngại lợi nhuận suy giảm nhẹ.
Thu ngoài lãi vẫn tích cực
Bên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính tăng khi tín dụng đi lên trong 2 quý đầu năm thì thu nhập phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng, với hai nhân tố đóng góp chính là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ.
Trong đó, doanh thu bancassurance, đặc biệt là khoản phí trả trước từ các thỏa thuận độc quyền vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 như thỏa thuận giữa Vietinbank với Manulife, Maritime Bank với Prudential, VPBank với AIA và Sacombank với Dai-ichi Life sẽ thúc đẩy thu nhập phí của các ngân hàng và cả toàn ngành.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng doanh thu từ bancassurance của các nhà băng trên sẽ đóng góp khoảng 50% vào tổng thu nhập phí của toàn ngành.
ACB được đánh giá đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí bảo hiểm liên kết trong 4 tháng đầu năm 2022 với 565 tỷ đồng, theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Trong năm 2021, ngân hàng này đứng thứ 5 về doanh thu phí bảo hiểm, với khoảng 1.300 tỷ đồng. ACB đã ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền 15 năm với Bảo hiểm Sun Life vào năm 2020.
Đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm là MB. Khác với các ngân hàng trong hệ thống, MB vận hành công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life với tỷ lệ sở hữu là 61% và sở hữu 68,4% cổ phần tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ MIC.
Theo các chuyên gia phân tích, sở hữu công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là một chiến lược hợp lý của MB do doanh thu phí bancasssurance đang bùng nổ. Nhờ đó, Ngân hàng nhận được khoản phí trả trước và cả những khoản hoa hồng từ các công ty này trong tương lai.
Trong khi đó, VCB đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền (thời hạn 15 năm) với FWD và khoản phí trả trước ước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là khoản phí được công bố cao nhất trên thị trường.
VietinBank đã ký kết hơp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife trong năm 2022. Nhà băng này xếp vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) trong 4 tháng đầu năm 2022 với 324 tỷ đồng (tăng 200% so với cùng kỳ).
Hoạt động phân phối bảo hiểm thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ phí của ngân hàng dù thời gian qua các ngân hàng “chạy đua” miễn phí trên nền tảng ngân hàng số. Chẳng hạn, từ đầu năm nay, VCB đã miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank - kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân, đồng thời miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ, bao gồm phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý tài khoản.
Thu từ ngân hàng số quý I/2022 của VCB đã giảm khoảng 500 tỷ đồng so cùng kỳ do triển khai chương trình miễn phí giao dịch này, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, thị phần CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của Ngân hàng lần đầu tiên sau 3 năm đã tăng lên.
Trong số ba ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối đã áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản trong năm 2022, VCB thu hút được nhiều CASA nhất. BIDV, VietinBank có tổng tiền gửi không kỳ hạn tăng lần lượt 5.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng, CASA đều chiếm 20% tổng số dư tiền gửi, tăng nhẹ so cuối 2021.
Lãnh đạo VCB cho rằng, việc miễn phí chuyển khoản online là bước đi chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng CASA - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm.
Thực tế cũng cho thấy, tiền gửi chi phí thấp là một trong ba trụ cột chính giúp ngân hàng tăng trưởng ở các năm qua.
Tổng giám đốc Tecchombank, ông Jens Lottner cho biết, mặc dù phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng nhờ chiến lược đẩy mạnh chiến lược huy động tiền gửi không kỳ hạn, với chi phí vốn thấp nên Ngân hàng vẫn giữ được lợi nhuận.
Năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Vì thế, mục tiêu CASA của Techcombank lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.