MIN cho vay nhỏ lẻ tăng
Theo lãnh đạo các nhà băng, trong thời gian qua, MIN (tỷ lệ thu nhập lãi thuần - Net Interest Margin) trong cho vay nhỏ lẻ tăng cao, nhất là với tín dụng tiêu dùng đã đóng góp lớn cho tăng trưởng lợi nhuận. Tỷ lệ NIM cao là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ngân hàng đang thành công trong việc quản lý tài sản và nợ. Ngược lại, NIM thấp sẽ cho thấy ngân hàng gặp khó khăn trong việc tạo lợi nhuận.
Chẳng hạn, tại VPBank, kết thúc quý I, Ngân hàng đạt trên 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và dự báo sẽ đạt trên 50% kế hoạch năm khi dự kiến thu về 10.800 tỷ đồng trong năm nay. VPBank kỳ vọng, “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit tiếp tục đóng góp hơn 50% vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng trong năm 2018. Các chuyên gia phân tích từ MBS cho rằng, lợi suất từ thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hỗ trợ tích cực cải thiện NIM của VPBank lên 9,42% năm nay.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của VPBank cũng đến từ đa dạng hóa các kênh cho vay (cho vay bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, tín dụng tiêu dùng…). MBS đánh giá, động lực cho tăng trưởng tín dụng của VPBank sẽ không chỉ đến từ tăng trưởng tín dụng của FE Credit, mà còn từ những kênh cho vay khác của ngân hàng mẹ. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở thị trường 1 dự báo sẽ tăng 26% vào năm 2018.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, nhất là tín dụng nhỏ lẻ đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Ngân hàng trong những năm gần đây. NIM cũng tăng trưởng cao hơn so với trước.
Tương tự, theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, NIM của ACB tăng lên trong những năm qua. Để cải thiện được NIM thì phải đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, việc này cũng đòi hỏi quá trình kiểm soát rủi ro nợ xấu. Mặt khác, để cải thiện NIM thì công tác thu hồi nợ xấu phải tốt; cân bằng được huy động và cho vay. Hiện nay, lượng tiền thừa trong ngân hàng được đầu tư trên thị trường liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ.
Thế nhưng, lãi suất liên ngân hàng qua đêm hoặc 1 tháng chỉ 3%/năm; còn lãi suất trái phiếu chỉnh phủ thấp, nên nếu huy động được mà không thể đẩy mạnh cho vay sẽ rất khó khăn cho ngân hàng. Đó cũng chính là bài toán khó không chỉ cho Ban điều hành ACB mà còn nhiều ngân hàng khác trong năm nay.
Ông Toàn cho biết thêm, việc NIM được cải thiện là sự nỗ lực lớn của Ban điều hành ACB để nâng cao khả năng sinh lời, đáp ứng cổ tức năm 2018 dự kiến chia cho cổ đông ở mức 30%. Năm 2018, Ngân hàng sẽ tập trung hơn vào việc tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ACB trong quý I/2018 cũng lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 138 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tích cực, nợ xấu được xử lý đã tác động khả quan đến lợi nhuận của Ngân hàng, dự kiến đạt mức cao 2 quý đầu năm.
Nhiều ngân hàng đạt hơn 50% kế hoạch năm
Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 50% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm. Ban đầu, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 ở mức 12.000 tỷ đồng, nhưng sau đó đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức 13.000 tỷ đồng. Dù vậy, theo dự báo của các nhà phân tích, công ty chứng khoán, nhiều khả năng Vietcombank sẽ đạt lợi nhuận 14.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay.
Trong khi đó, Tổng giám đốc ACB cho hay, sau 5 tháng đầu năm, Ngân hàng đã nỗ lực để đạt được kết quả kinh doanh ở mức khả thi và dự kiến hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. ACB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2018 ở mức 5.669 tỷ đồng, tuy nhiên, với việc xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận, nhiều khả năng Ngân hàng có thể đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay. Kết thúc quý I, lợi nhuận của ACB đạt 1.491 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Vietcoambank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 50% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm
Không chỉ các nhà băng quy mô, mà ngay cả ngân hàng vừa và nhỏ cũng ước đạt mức lợi nhuận khả quan trong gần 2 quý đầu năm nay.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, trong quý I, ngân hàng của ông đã đạt mốc lợi nhuận trên 1.000 nghìn tỷ đồng trước thuế và ước tính, quý II có thể đạt cao hơn con số này. Vì vậy, với mục tiêu lợi nhuận đưa ra hơn 3.900 tỷ đồng trước thuế, nhà băng dự kiến vượt chỉ tiêu. Nguyên nhân lợi nhuận thu về khả quan trong quý đầu năm nay chính là nhờ tín dụng tăng, nguồn thu từ dịch vụ, dự phòng giảm…
Thực tế, không quá bất ngờ khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đến thời điểm này đã gần cạn, bởi nhiều ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đều qua các tháng ngay từ đầu năm, thay vì chỉ tập trung vào những tháng cuối năm. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao trong năm nay hiện đã gần hết và kỳ vọng sẽ được bổ sung.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 5 tháng đầu năm 2018 đạt 6,16%.
Trước đó, theo báo cáo kết quả quý I/2018 của VIB, dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 84.000 tỷ đồng.
Trong khi chỉ tính riêng dư nợ tín dụng riêng lẻ của MB trong quý I đạt mức tăng trưởng 5%, tương ứng đạt được 89% mục tiêu năm nay. Còn HDBank có tổng dư nợ đạt 110.990 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 105.977 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ và 11,5% so với cuối năm 2017. Nhà băng lớn như Vietcombank cũng có mức tăng trưởng tín dụng trên 9% chỉ sau 5 tháng đầu năm nay, trong đó cho vay nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng khởi sắc đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu của các nhà băng trong thời gian qua và kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên khi các nhà băng chính thức công bố kết quả hoạt động 2 quý đầu năm.
Thực tế, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng trong thời gian qua không phải là không có cơ sở, khi hoạt động ngành tăng trưởng trở lại; lợi nhuận có nhiều gam sáng nhờ tín dụng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chứng khoán lưu ý, nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn. Mặt khác, trước làn sóng lên sàn của các nhà băng, các nhà đầu tư mua cổ phiếu nhóm này nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro khi cổ phiếu đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn.