Nhà văn Dương Hướng là một gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chứng kiến giờ phút thiêng liêng trong Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong những ngày tháng Tư lịch sử này?
Cũng như rất nhiều người lính trực tiếp chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi rất thấu hiểu những mất mát, thương đau trong chiến tranh, về sự cách chia hai miền Nam - Bắc, vì thế càng thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc.
Ngày ấy, lớp lớp trai trẻ chúng tôi phơi phới tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu không quản hy sinh, gian khó. Cuộc chiến quá dài lâu, gian khổ, khốc liệt với chất chồng mất mát, hy sinh và những người lính trong cuộc chiến càng khát khao, càng quyết tâm giành chiến thắng hơn ai hết.
Cứ lớp trước ngã xuống, lớp sau lại tiến lên với sức chịu đựng vô cùng kỳ diệu, khiến chính những người may mắn được trở về như chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi vì sao ngày ấy mình lại có được tinh thần sắt đá đến vậy. Tất cả cho mục tiêu chiến thắng, để rồi ngày ấy đã đến, nhanh như cơn gió với khí thế hừng hực, đến nỗi ai cũng ngỡ ngàng.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Theo ông, điều gì đã làm nên sức mạnh, để Việt Nam giành được những chiến thắng to lớn đó?
Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, anh hùng, quyết không chịu khuất phục, quyết không chịu làm nô lệ. Điều đó đã trở thành triết lý sống, hình thành và phát triển một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, cùng sự đoàn kết, tương thân tương ái, vừa dũng cảm, vừa thông minh.
Chính sức mạnh của văn hóa dân tộc đã tạo nên sức mạnh khiến dân tộc ta dù dưới ách đô hộ hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc, vẫn không hề bị đồng hóa và đã vùng lên giành lại nền độc lập. Sức mạnh ấy lại tiếp tục soi rọi để Việt Nam giành chiến thắng trong những cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập sau này. Trong đó, các cuộc kháng chiến đánh bại các cường quốc ở thế kỷ XX, mà chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ độc lập chủ quyền.
Để Việt Nam có được những thành quả như hôm nay, khái niệm tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam có vai trò thế nào?
Có thể nói, tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam được tạo dựng bởi lòng yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, làm nên sức mạnh truyền thống lâu bền nhất và giữ vai trò quan trọng số một trong cả quá khứ, thực tại và tương lai.
Tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc là hai yếu tố được chứng minh rõ ràng nhất trong các cuộc chiến tranh giữ nước và dựng nước. Tinh thần, khát vọng đó tiếp tục được khẳng định trong công cuộc Đổi mới đất nước, đã đưa một đất nước đói nghèo, lạc hậu vừa bước ra từ một cuộc chiến tranh với bao tổn thất, mất mát, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, để trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh chống chọi với “giặc” Covid-19, Việt Nam vẫn phải đối diện với bất ổn ngoài biển Đông, cùng sự biến đổi mạnh mẽ của thế giới... Bằng góc nhìn văn hóa, lịch sử, theo ông, Việt Nam cần làm gì để vượt qua khó khăn, phát huy các giá trị của một dân tộc anh hùng trong thời kỳ hiện nay?
Nhìn lại chiến thắng 30/4 cách đây 45 năm, có thể thấy, Đảng và nhà nước ta đã vận dụng rất tài tình, khơi dậy ý thức đoàn kết, tinh thần dân tộc của mỗi người dân trong lao động, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Bài học đó tuy đã cách đây 45 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị.