Từng có nhiều năm gắn bó với thị trường Việt Nam, trong đó có hơn 2 năm làm CEO Lazada Vietnam, hiện công việc mới của ông liên quan thế nào với thị trường này?
Tôi rời Lazada năm 2014 để thành lập Endurance Capital cùng với đối tác tại Việt Nam. Đó là một quỹ đầu tư dài hạn tập trung vào việc tìm kiếm các công ty chưa được đánh giá đúng, thậm chí bị hiểu lầm, trong số các công ty vốn hóa tầm trung tại Việt Nam.
Chúng tôi luôn nắm giữ danh mục đầu tư tập trung vào khoảng 10 công ty. Việc nắm giữ một danh mục tinh gọn cho phép Endurance Capital hiểu sâu các khoản đầu tư của mình hơn các quỹ bỏ vốn vào khoảng 50-100 công ty tại một thời điểm.
Thị trường tài chính nói chung và chứng khoán Việt Nam thời gian qua ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Theo ông, nguyên nhân chính là gì?
Có nhiều nguyên nhân cho sự phát triển của thị trường Việt Nam và hầu hết vẫn sẽ mang lại tác động trong dài hạn.
Một trong những yếu tố đó quan trọng là chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và chương trình này luôn đi kèm những hiệu ứng tích cực, lan tỏa trên toàn thị trường.
Quan điểm của chúng tôi về chủ trương này là rất tích cực và chúng tôi rất vui khi thấy nhiều công ty mới được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng chủ trương này sẽ tiếp tục tạo ra giá trị cho thị trường trong những năm về sau.
Cụ thể quá trình cổ phần hóa mang sẽ lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp và nhà đầu tư?
Điều này toàn hoàn phụ thuộc vào tương tác giữa các công ty mới cổ phần hóa và các thành phần tham gia thị trường. Việc niêm yết chỉ mới là bước đầu tiên của cả quá trình.
Những gì xảy ra sau đó thậm chí có thể còn quan trọng hơn. Với khối lượng lớn các công ty chuyển đổi từ công ty Nhà nước thành cổ phần hóa một phần và thành công ty đại chúng gần đây, tiềm năng cho việc tạo ra giá trị cho cổ đông ở mức độ lớn sẽ có được thông qua quá trình nâng tầm quản trị doanh nghiệp và quan hệ với cổ đông lên các chuẩn mực quốc tế.
Nếu quá trình này xảy ra nhanh và hiệu quả thì giá trị sẽ được tạo ra càng nhanh hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về quá trình tương tác giữa các bên sau cổ phần hóa mà ông cho rằng rất quan trọng?
Để cổ đông nhận ra giá trị đầy đủ và tiềm năng của một công ty niêm yết, cầu nối thông tin giữa ban quản trị và cổ đông đại chúng là rất cần thiết: Một bên hiểu công ty rất rõ và một bên phụ thuộc vào thiện chí chia sẻ thông tin của bên kia.
Nhiều công ty niêm yết không dành đủ thời gian cập nhật cho cổ đông về tình hình phát triển và tiềm năng của mình. Điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ ngừng theo dõi và không đầu tư vào công ty; còn các công ty sẽ chưa được hiểu đúng, bị bỏ qua và thường bị định giá ở mức rất thấp.
Có một mối tương quan rất rõ giữa việc tăng cường chia sẻ thông tin và chỉ số định giá công ty ở mức cao hơn. Cả công ty và cổ đông cần hợp tác với nhau để điều này xảy ra.
Ông có ví dụ cụ thể nào cho thấy nếu lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường chia sẻ thông tin hơn với cổ đông, đánh giá về công ty có thể được cải thiện?
Do yêu cầu niêm yết hiện tại ở Việt Nam, các công ty trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thường tự nhiên minh bạch hơn và chia sẻ thông tin tốt hơn các công ty niêm yết ở sàn UPCoM.
Chúng tôi thấy có nhiều ví dụ cho thấy các công ty đại chúng hoàn toàn có thể nâng tiềm năng tăng trưởng giá trị từ việc cải thiện hoạt động quan hệ với cổ đông và chia sẻ thông tin.
Chẳng hạn hiện chúng tôi có nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM là Công ty cổ phần Dệt may Việt Tiến (VGG).
Đây là một thương hiệu mạnh và nổi tiếng về may ở Việt Nam và Chính phủ đã làm rất tốt trong việc chuyển công ty thành công ty đại chúng.
Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là công ty hiện bị định giá thấp hơn hẳn so với các công ty cùng ngành, nhưng niêm yết trên sàn HOSE.
Từ một sự so sánh đơn giản các chỉ số định giá, chúng ta có thể kết luận rằng, nếu Việt Tiến niêm yết trên HOSE, thay vì UPCoM như hiện nay, theo đó cải thiện việc báo cáo và chia sẻ thông tin với cổ đông, giá trị công ty sẽ được nâng lên rất nhiều.
Về Endurance Capital
Các cổ đông sáng lập của Endurance Capital bao gồm các chuyên gia đầu tư Thụy Điển và Việt Nam đã từng giữ các vị trí quản lý tại các công ty Việt Nam.
Sáng lập viên của Endurance Capital, Christopher Beselin, là cựu Giám đốc và Sáng lập viên của Lazada Việt Nam và cũng là người đưa công ty đầu tiên của Việt Nam lên sàn giao dịch Nasdaq, Công ty fram^.
Các cổ đông của Endurance Capital còn có kinh nghiệm làm việc tại các công ty như Cevian Capital, The Boston Consulting Group và Vinamilk.
Hơn nữa, các cổ đông này còn là thành viên Hội đồng quản trị của các công ty đại chúng tại Việt Nam như Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (mã VND) và Công ty Cổ phần Nafoods Group (mã NAF).