Hấp dẫn khối ngoại
Trong một hội thảo về xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019, ông Nguyễn Việt Quang, chuyên gia chứng khoán cho rằng, đang có nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đến phân khúc văn phòng cho thuê. Nhìn nhận về nguyên nhân này, theo ông Quang, là bởi nhà đầu tư muốn đầu tư vào sản phẩm có mức giá thấp nhưng có mức độ sinh lời cao.
Nhu cầu đối với phân khúc văn phòng cho thuê đến từ doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam là rất lớn, đặc biệt khi văn phòng gắn với khu dân cư, khu công nghiệp. Hiện khách thuê có nhu cầu thuê dài hạn lớn nhưng thường thì các văn phòng cho thuê lại cách xa hai địa điểm là khu công nghiệp và nhà ở nên có không ít bất tiện cho việc di chuyển.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland cho biết, có 3 nhà đầu tư đang tiếp xúc với Netland để tìm kiếm văn phòng cho thuê tại TP.HCM và Đà Nẵng, thậm chí họ còn nhìn nhận về tiềm năng này lạc quan hơn cả những nhà đầu tư trong nước.
Không gian làm việc chung đang tạo nên xu hướng thuê văn phòng mới
“Tỷ lệ lấp đầy văn phòng cho thuê ở TP.HCM là 96%, Hà Nội là 94%, đây là những tỷ lệ vàng. Thị trường duy trì tăng giá do thiếu nguồn cung mới. Có nhiều quỹ đầu tư muốn tìm địa điểm thuê văn phòng và tiếp cận chúng tôi. Bình thường các bạn không cảm nhận sức nóng, nhưng người có nhu cầu thuê văn phòng mới cảm nhận được sức nóng lớn từ nó, đặc biệt với việc thuê văn phòng có diện tích lớn, từ khoảng trên 1.000 m2 trở lên”, đại diện JLL chia sẻ.
Theo báo cáo “World Office Yield Spectrum” (Lợi suất văn phòng toàn cầu) do Savills công bố, năm 2018, Hà Nội là thành phố dẫn đầu trên toàn thế giới về lợi suất văn phòng với mức lợi suất thị trường đạt 8,57%. Theo sau là Manila, Adelaide, TP.HCM (ở mức 7,36%) và Perth.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Quản lý Đầu tư Savills Hà Nội nhận định, mức lợi suất cao cho thấy mức tương quan khá hấp dẫn của thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng so với giá trị vốn hóa của tòa nhà văn phòng. Chính vì vậy, việc Hà Nội và TP.HCM đang có mức lợi suất cao hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng rất khả quan về giá thuê và công suất thuê tại 2 thị trường này.
Co-working sẽ tăng trưởng mạnh mẽ
Sau 20 năm ra mắt văn phòng dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam (ở TP.HCM) dưới thương hiệu Regus, vừa qua, một thương hiệu khác cũng thuộc International Workplace Group (IWG) là SPACES, đã khai trương Trung tâm Belvedere, một tòa nhà văn phòng dưới mô hình không gian làm việc linh hoạt ngay tại trung tâm Hà Nội (số 28A phố Trần Hưng Đạo).
Có mặt ở nhiều quốc gia, gia nhập thị trường văn phòng cho thuê ở Việt Nam từ 20 năm trước, việc SPACES chính thức Bắc tiến lần này đã cho thấy sức hấp dẫn của không gian làm việc chung ở Thủ đô trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lars Wittig, Phó chủ tịch Bộ phận kinh doanh của IWG tại Đài Loan (Trung Hoa), ASEAN và Hàn Quốc cho biết, mặc dù sự có mặt của SPACES tại Hà Nội là khá muộn, nhưng đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cần thiết trước khi đặt chân vào một thị trường.
“Việt Nam đang là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp, sức sống trẻ rất mãnh liệt. Tinh thần chia sẻ, tính cộng đồng xuất hiện khắp mọi nơi. Người ta có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ về cuộc sống, kinh doanh. Riêng tính sáng tạo và đổi mới, ở Hà Nội tinh thần đó rất đặc biệt và không có ở bất kỳ nơi nào khác. Đây chính là nền tảng chắc chắn cho sự phát triển mạnh mẽ của không gian làm việc chung”, ông Lars Wittig nói.
Theo nhận định của đại diện IWG, mức tăng trưởng của co-working thời gian qua ở khoảng 30%/năm. Mức tăng trưởng này được coi là tia sáng đầy kỳ vọng ở phân khúc văn phòng - một mảnh ghép quan trọng của thị trường bất động sản.
Đánh giá về xu hướng lựa chọn co-working cho doanh nghiệp mình, ông Bùi Trung Kiên, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho rằng, đây là điều bình thường, và nó thuận theo xu thế chung của thế giới. Ở các nước phát triển, như Anh, Mỹ hay các đô thị lớn như Thượng Hải, Singapore, co-working cũng phát triển mạnh.
“Theo tôi, đây cũng sẽ là xu thế phát triển ở Việt Nam”, ông Kiên nhận định.
Báo cáo “Tìm kiếm cơ hội: Không gian linh hoạt ở châu Á - Thái Bình Dương” của JLL cho biết, đến năm 2030, 30% danh mục đầu tư bất động sản thương mại của các công ty sẽ là từ không gian linh hoạt. Điều này cho thấy dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cũng cho rằng, cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ nền kinh tế triển vọng cũng như sự hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
“Chúng tôi kỳ vọng những yếu tố hấp dẫn này của thị trường sẽ tiếp tục trong thời gian tới và nhu cầu về không gian linh hoạt tiếp tục theo quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai”, ông Stephen Wyatt nói.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên về mức tăng trưởng ấn tượng của loại hình này, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, không gian làm việc chung tăng trưởng mạnh là nhờ vào nhu cầu cao của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, TP.HCM là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư và khách thuê.
Theo ông Alex Crane, hàng chục nghìn doanh nghiệp mới thành lập ở mỗi thành phố (TP.HCM và Hà Nội) mỗi năm đã lý giải nguyên nhân tại sao các không gian làm việc chung lại bùng nổ, nhất là ở TP.HCM. Nhiều đơn vị phát triển không gian làm việc chung lớn cũng đưa ra các chính sách thành viên dành cho các công ty đa quốc gia, những doanh nghiệp thường đặt trụ sở tại TP.HCM.
Chính vì vậy, dễ hiểu khi nhu cầu thiết lập các không gian làm việc chung ở trung tâm kinh tế phía Nam này tăng mạnh đến vậy. TP.HCM vốn được biết đến là một đô thị có môi trường kinh doanh cởi mở, thích hợp để tiến hành hoạt động kinh doanh chia sẻ, đặc biệt với mô hình co-working.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com