Lợi nhuận tăng, thu nhập người lao động tăng mạnh
Tháng 9/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Sanest Khánh Hòa – công ty thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Yến Sào Khánh Hòa được bán cổ phần lần đầu ra công chúng (mã cổ phiếu SKH).
Chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần từ ngày 15/11/2017, nên phần lợi nhuận tính cho các cổ đông công ty cổ phần năm tài chính 2017 sẽ chỉ từ ngày 15/11/2017 đến hết ngày 31/12/2017. Thế nhưng, nếu nhìn dài hơn, khi xem xét kết quả kinh doanh Công ty cho cả năm 2017, thì năm qua được đánh giá là rất thành công của Sanest Khánh Hòa.
Trong 2 năm trước cổ phần hóa, mặc dù doanh thu liên tục tăng trưởng, nhưng lợi nhuận của Công ty không có nhiều đột biến, khi năm 2015 lợi nhuận đi lùi, năm 2016, lợi nhuận của Sanest Khánh Hòa mới tăng trên 5% so với 2 năm trước đó.
Theo kế hoạch kinh doanh trong đề án cổ phần hóa được công bố khi chào bán cổ phiếu SKH lần đầu ra công chúng, năm 2017, Sanest Khánh Hòa dự kiến đạt 1.324 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 80,499 tỷ đồng. Con số doanh thu thấp hơn thực tế năm 2016, theo Công ty là do đã bóc tách hoạt động thương mại để đảm bảo phản ánh đúng hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, con số thực tế được công bố vào tháng 2/2018 lại tăng trưởng tốt hơn kế hoạch dự phóng trước đó. Cụ thể, năm 2017, Sanest Khánh Hòa hạch toán gần 1.495 tỷ đồng doanh thu, vượt 12,9% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 94,575 tỷ đồng, vượt 17,49% kế hoạch.
Trong 2 năm tiếp theo kể từ 2017, theo phương án khi cổ phần hóa, Sanest Khánh Hòa dự kiến lợi nhuận sau thuế mỗi năm tăng 6 tỷ đồng, lên mức 92,112 tỷ đồng năm 2019. Con số này thấp hơn thực tế đạt được ngay trong năm 2017 và sẽ còn thấp hơn nhiều so với con số kế hoạch mới của năm 2018.
Trong tờ trình phương án kinh doanh năm 2018, Sanest Khánh Hòa dự kiến sẽ đưa doanh thu lên 1.630 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103,28 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 330 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu SKH dự kiến sẽ đạt mức 3.129 đồng, cao hơn 20% so với con số dự phóng tại bản công bố thông tin là 2.609 đồng.
Không chỉ vượt về kết quả kinh doanh, thực tế thu nhập của cán bộ công nhân viên Công ty năm 2017 và dự kiến năm 2018 trong Tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Hội đồng quản trị Sanest Khánh Hòa cũng cho thấy, Ban lãnh đạo cũ của Công ty dường như đã quá “thận trọng” trong công bố thông tin khi cổ phần hóa.
Cụ thể, năm 2017, thu nhập bình quân người lao động của Sanest Khánh Hòa là 16,345 triệu đồng/người/tháng. Theo kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông năm 2018, con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 17,3 triệu đồng/người/tháng. Các con số này cao hơn nhiều so với mức dự kiến như công bố thông tin cổ phần hóa của Công ty là 11,56 triệu đồng/người/tháng năm 2017, 12,13 triệu đồng/người/tháng năm 2018.
Lộ diện 2 cổ đông chiến lược
Tại thời điểm cổ phần hóa, dù chưa công bố cổ đông chiến lược, nhưng thông tin về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Sanest Khánh Hòa khiến thị trường cho rằng, sẽ rất khó có “cửa” cho nhà đầu tư bên ngoài tham gia chiến lược vào Công ty. Và nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ là cổ đông chiến lược tại SKH?
Theo bản công bố thông tin của Sanest Khánh Hòa, tại ngày 9/11/2017, Công ty có 6 cổ đông tổ chức sở hữu 78,01% vốn điều lệ. 21,99% vốn điều lệ còn lại được sở hữu bởi 655 nhà đầu tư cá nhân.
Trong số này, có 3 cổ đông nắm trên 5% vốn điều lệ, bao gồm: Yến Sào Khánh Hòa (51,06% vốn điều lệ), Công ty TNHH NHT (11% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Bao bì Nước giải khát Crown Đồng Nai (10% vốn điều lệ). Hai cổ đông tổ chức không phải cổ đông nhà nước đều là những cổ đông chiến lược, đã được lựa chọn theo tiêu chuẩn khắt khe được công bố trước đó.
Cụ thể, cổ đông chiến lược của Công ty phải đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí cơ bản. Trường hợp thứ nhất, phải là đơn vị cung cấp bao bì lon nhôm và nắp lon sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời sản lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật cho Yến sào Khánh Hòa (công ty mẹ) và các công ty trong hệ thống, có thời gian hợp tác từ 2 năm trở lên, tổng giá trị hợp đồng năm 2016 đạt từ 100 tỷ đồng trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm sản xuất về sản phẩm cung cấp, 2 năm có lãi.
Không khó để nhận ra, Công ty TNHH Bao Bì nước giải khát Crown Đồng Nai là cổ đông được lựa chọn theo tiêu chí này. Theo một số thông tin được giới thiệu, Công ty TNHH Bao Bì nước giải khát Crown Đồng Nai (10% vốn điều lệ), thuộc tập đoàn Crown Holdings (https://www.crowncork.com) chuyên sản xuất lon nhôm 2 mảnh cung cấp cho thị trường bia và nước giải khát của các thương hiệu như : Heineken, Tiger, Pepsi, Coca Cola...
Trong danh sách 5 nhà cung cấp nguyên liệu chủ yếu của Sanest Khánh Hòa không có tên Crwon Đồng Nai, nhưng có tên Công ty Liên doanh TNHH Crown Sài Gòn.
Một trường hợp theo tiêu chí khác mà doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sanest Khánh Hòa là phải là đơn vị chuyên thiết kế và cung cấp vật tư, bao bì sản phẩm bằng giấy các loại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Yến Sào Khánh Hòa và các công ty cùng hệ thống, với các điều kiện tiêu chuẩn tương tự như trên, trừ yếu tố giá trị hợp đồng năm 2016 là từ 30 tỷ đồng trở lên, có cơ sở kinh doanh đặt tại Khánh Hòa.
Theo công bố thông tin, Sanest Khánh Hòa có một cổ đông chiến lược khác, đó là Công ty TNHH NHT, sở hữu 11% vốn điều lệ. Cũng theo nội dung chi tiết thành viên Hội đồng quản trị, bà Bùi Thị Hạnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sanest Khánh Hòa sinh năm 1963, người tham gia vào Yến Sào Khánh Hòa (công ty mẹ) từ năm 1990, hiện đang đồng thời là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Yến Sào Khánh Hòa là người đại diện phần vốn của NHT tại Sanest Khánh Hòa, mà không hề đại diện phần vốn cho cổ đông nhà nước nơi bà đang làm việc trước đó.
Bán cho cổ đông chiến lược, giá nào?
Không công bố giá bán cổ đông chiến lược, nhưng với mức giá đấu trung bình gần 28.000 đồng/cổ phiếu, giá thành công thấp nhất là 25.300 đồng/cổ phiếu và yêu cầu giá bán không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất, khoản đầu tư của các cổ đông chiến lược có thể sẽ có giá không quá khác biệt so sánh với mặt bằng chung. Ở mức giá này, với kết quả kinh doanh năm 2017, kế hoạch kinh doanh năm 2018, các cổ đông chiến lược đã có một khoản đầu tư hấp dẫn về mặt định giá.
Nhưng, giá trị của Sanest Khánh Hòa không chỉ nằm ở con số lợi nhuận, mà ở chính thương hiệu và quy mô sản xuất hiện thời.
Sau 5 năm đi vào hoạt động (kể từ khi còn là Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào), Sanest Khánh Hòa cho biết, hệ thống nhà máy của Công ty được đánh giá là đơn vị hiện đại mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực sản xuất nước yến sào với công suất 15.000 sản phẩm/giờ, gấp 6 lần công suất thiết kế của Nhà máy đầu tiên của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Hệ thống dây chuyền thiết bị mới hoàn toàn tự động, đồng bộ, hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ Italia với tính năng công nghệ tiên tiến, thuộc thế hệ mới nhất.
“Ngay từ những ngày đầu xây dựng, Công ty đã mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm và nghiên cứu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân viên đúng chuyên ngành và có kinh nghiệm thực tiễn”, Sanest Khánh Hòa cho biết.
Trong kế hoạch đầu tư mới, Công ty cũng dự kiến đầu tư thêm dây chuyền thiết bị sản xuất lon công suất 12.000 sản phẩm/giờ và dây chuyền lọ 62 ml công suất 8.000 sản phẩm/giờ cùng với hệ thống xử lý nước thải, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây thêm kho vật tư, nguyên liệu, bãi xuất hàng, đường nội bộ; xây dựng Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Sông Cầu….
Với những kế hoạch trên, Sanest Khánh Hòa có thể sẽ nhân gấp đôi quy mô hoạt động và kéo theo đó là hiệu quả kinh doanh vượt trội so với thời điểm hiện nay, trong khi, tổng nhu cầu đầu tư cho các dây chuyền mới dự kiến không nhiều (32 tỷ đồng cho 2 dây chuyền mới).
Đáng nói là, trong công bố thông tin khi cổ phần hóa, Yến Sào Khánh Hòa dường như đã quá thận trọng.