Sandbox trong phát triển đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
Sự cầu thị của lãnh đạo TP. Hà Nội và TP.HCM là điều dễ dàng nhận thấy trong suốt cuộc Hội thảo khoa học kéo dài 2 ngày (17-18/1) về phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn này.
Sandbox trong phát triển đường sắt đô thị

Đây là hội thảo khoa học liên quan đến lĩnh vực đường sắt đô thị có quy mô lớn nhất, tổ chức bài bản nhất từng được triển khai tại Việt Nam, với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế và đại diện các thành phố đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Pháp vốn có hệ thống đường sắt đô thị phát triển để giúp Hà Nội và TP.HCM trả lời câu hỏi lớn. Đó là làm cách nào thể huy động đủ nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị - hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng - để giải quyết bài toán giao thông công cộng, mở ra không gian phát triển mới cho các đại đô thị?

Cần phải nói thêm rằng, tính đến cuối năm 2023, sau gần 20 năm triển khai hệ thống đường sắt đô thị, cả nước mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác.

Ngay cả khi 2 tuyến đường sắt đô thị khác là Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội) và Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) có thể đưa vào khai thác trong năm 2024, thì thời gian bình quân làm 1 tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam là khoảng 12 - 15 năm. Đó là chưa kể, các tuyến đường sắt đô thị khác như Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi - Yên Viên; Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt dự án đầu tư, có nhà tài trợ cách đây 10 năm, nhưng hiện vẫn nằm trên giấy.

Trong khi đó, việc triển khai một tuyến đường sắt đô thị tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ mất 6 - 7 năm, thậm chí một số địa phương tại Trung Quốc chỉ mất khoảng 3 năm là xây xong 1 tuyến đường sắt đô thị 15 km.

Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thẳng thắn thừa nhận, nguyên nhân chính là do nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phương thức vận tải đường sắt chưa đầy đủ; chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn rất hạn chế; thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, đặc biệt là đối với đường sắt đô thị. Nghị quyết số 49 cũng đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP.HCM vào năm 2035.

Nếu chiểu theo quy hoạch đã được duyệt, thì trong 10 năm tới, mỗi thành phố cần hoàn thành tối thiểu 200 km đường sắt đô thị (bình quân 20 km/năm). Đây là ý chí chính trị đúng đắn và không thể chậm trễ thêm, nếu Hà Nội, TP.HCM không muốn bị tụt hậu xa hơn so với các đô thị hiện đại khác trong khu vực.

Song nếu tiếp tục triển khai theo cách cũ, thì việc hoàn thành 200 km còn lại sẽ cần khoảng 50 - 70 năm nữa, thậm chí 100 năm. Vì vậy, hai địa phương phải thay đổi, phải có cách làm mới, đột phá.

Đã có nhiều giải pháp được các chuyên gia, nhà quản lý đô thị nêu ra tại cuộc hội thảo, trong đó, có những giải pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, như Mô hình Phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD), cùng các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị...

Những giải pháp này cũng đã được các bộ, ngành và chính quyền Hà Nội, TP.HCM nhận diện, nhưng chưa có cơ hội triển khai áp dụng trên thực tế. Nói cách khác, hai thành phố đang thiếu cơ chế “may đo”, khung khổ pháp lý với các cơ chế đặc thù, vượt trội trong việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Thời gian thực hiện Nghị quyết số 49 không còn nhiều, nhu cầu đi lại của người dân bằng đường sắt đô thị ngày một lớn, đã đến lúc, lãnh đạo 2 thành phố cần mạnh dạn kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mỗi thành phố một dự án đường sắt đô thị thí điểm theo mô hình “sandbox” (cơ chế thử nghiệm chính sách). Theo đó, sẽ áp dụng các cơ chế đặc thù về tài chính, trình tự, thủ tục đầu tư, khung tiêu chuẩn, mô hình triển khai, sau đó rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh và luật hóa các cơ chế để triển khai trên diện rộng.

Đây cũng là việc nhằm cụ thể hóa chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần quán triệt: “Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật, nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có luật, thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, cầu toàn”. Như vậy, mới có thể tạo nên bước phát triển “thần tốc” về đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM trong thời gian tới, đúng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tin bài liên quan