Nỗ lực của nhà quản lý
Một nền văn hóa sáng tạo, với sự hỗ trợ từ nhà nước và các cơ quan liên quan, là một trong những yếu tố biến thành phố/quốc gia trở thành nơi tập trung tinh hoa và hội tụ tinh thần đổi mới không ngừng.
Chẳng hạn, thung lũng Silicon là trung tâm của ngành công nghệ - khoa học Hoa Kỳ, nơi đặt trụ sở của các doanh nghiệp sáng tạo bậc nhất. Tuy nhiên, đâu là yếu tố cần thiết nhất để tạo nên một khu vực tiên phong đổi mới, sáng tạo?
Theo báo cáo đánh giá 44 thành phố trung tâm thuộc hệ sinh thái Fintech trên thế giới của Deloitte, yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên một khu vực tập trung những doanh nghiệp tiên phong là “quản lý”.
Theo đó, các sáng kiến quản lý là một trong 6 yếu tố quyết định tới khả năng một thành phố trở thành trung tâm Fintech toàn cầu.
Các thành phố xếp hạng cao nhất trong Chỉ số xếp hạng thành phố toàn cầu là London, Abu Dhabi, Luxembourg, Mexico City, Singapore. Ba trong số này thuộc nhóm các quốc gia đã thiết lập được khung khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) của riêng mình.
Thực tế, “sandbox” là một trong những từ thông dụng nhất trong thế giới Fintech và ngày càng mở rộng ra ngành tài chính nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung.
Các mô hình khung khổ pháp lý thử nghiệm trên toàn cầu (Màu vàng: đã thiết lập - Màu cam: đang chuẩn bị thiết lập).
Trong thế giới tài chính, sandbox được biết tới như nỗ lực của nhà cầm quyền trong việc theo sát bước tiến nhanh, mạnh của các chủ thể kinh tế trong bối cảnh công nghệ bùng nổ.
Sandbox có thể cổ vũ trải nghiệm mới tại các lĩnh vực tài chính, nơi chưa được quản lý bởi hệ thống các quy định cụ thể, hoặc chưa được xuất hiện trong các khung khổ pháp lý.
Khung điều chỉnh thử nghiệm đầu tiên được Phòng Bảo vệ tài chính của khách hàng (CFPB) tại Mỹ thiết lập vào năm 2012 dưới tên gọi “Project Catalyst”.
Năm 2015, Cơ quan Điều hành tài chính (FCA) tại Vương quốc Anh đưa ra khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox”. Sau thời gian đó, khái niệm này được phát triển tại 31 nước trên thế giới.
Bên cạnh các khung điều chỉnh thử nghiệm, một số nước chấp nhận những cơ chế khác nhằm hỗ trợ đổi mới tài chính, như trung tâm đổi mới Fintech, trung tâm phát triển Fintech, trung tâm thúc đẩy Fintech.
Xét một cách toàn diện, Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên thực thi một cách hoàn chỉnh khung khổ pháp lý thử nghiệm, thể hiện sự gắn kết với cộng đồng Fintech, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách mạnh mẽ.
Vào cuối năm 2015, FCA đã công bố báo cáo về Dự án Sáng tạo (Project Innovate), lý giải vì sao khung khổ pháp lý thử nghiệm là cần thiết. Dự án này được thực hiện đầy đủ vào giữa năm 2016, thu hút sự tham gia của các công ty Fintech trên toàn cầu.
Mục tiêu của FCA là tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong một khung khổ điều chỉnh riêng, cổ vũ những cải tiến mang tính đột phá, từ đó tạo ra lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.
Đồng thời, kiểm soát các rủi ro và ngăn chặn những nguy cơ có thể tác động tới khách hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung.
Tháng 5/2016, FCA công bố nhóm doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc bắt đầu hoạt động với khung khổ pháp lý thử nghiệm.
Theo đó, trong số 69 công ty nộp đơn, 18 cái tên đã được lựa chọn. Đây là nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ châu Âu, châu Á và châu Phi…, một số thậm chí chưa bắt đầu hoạt động kinh doanh nào, trong khi số khác đã nhận được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tất cả có một điểm chung, còn thiếu một bước để biến những “giấc mơ” trở thành hiện thực: Sự dẫn dắt, chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Với sự đồng hành của FCA, các doanh nghiệp này đã tiến hành các hoạt động kinh doanh và “được trưởng thành” dưới sự bảo trợ của nhà cầm quyền.
Tới khi đạt được đích cuối của quá trình thực nghiệm, các doanh nghiệp khởi nghiệp này đã đáp ứng được các tiêu chuẩn hoạt động của một tổ chức tài chính thông thường và hoạt động tại “thế giới thực”.
Tới tháng 6/2017, FCA thông báo đã lựa chọn được nhóm công ty thứ hai tham gia khung khổ pháp lý thử nghiệm và trong năm ngoái bắt đầu nhận đơn “gia nhập” của nhóm doanh nghiệp thứ ba.
Trong số những doanh nghiệp tham gia đợt thử nghiệm đầu tiên, những cái tên nổi bật nhất có thể kể tới là Bud (nền tảng điện tử cho phép khách hàng quản lý mọi sản phẩm tài chính trong một hệ thống duy nhất); Nested (hoạt động cả Fintech và dịch vụ bất động sản, cung cấp khoản bảo hiểm miễn phí cho khách hàng nếu không bán được bất động sản trong 90 ngày);
Govcoin (phát triển ứng dụng blockchain giúp việc thanh toán các khoản tiền khẩn cấp nhanh hơn, đáng tin cậy hơn); Blink Innovation (doanh nghiệp insurtech, cung cấp một loạt sản phẩm bảo hiểm thiết kế riêng cho các nhóm khách hàng ngách)…
Các doanh nghiệp tham gia vào khung khổ thử nghiệm hiện đã có những bước tiến quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường…, giúp người tiêu dùng trở thành đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
Đồng hành cùng kinh tế chia sẻ
Không chỉ tại các thị trường phát triển như Anh, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á cũng sớm nhận ra cơ hội tăng trưởng từ những sáng tạo tại nhiều lĩnh vực và nhanh chóng tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chẳng hạn, tháng 5/2017, nhà cung cấp dịch vụ trả trước WorldRemit (Anh) và 3 công ty Fintech khác đã được phép sử dụng sandbox của Bank Negara Malaysia (Ngân hàng Trung ương Malaysia - BNM) để thử nghiệm các giải pháp mới trong việc xác thực khách hàng, nhất là đối tượng tại khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Công nghệ của WorldRemit cho phép khách hàng cung cấp nhận diện thông qua điện thoại di động. Trước đó, phương pháp xác thực khách hàng này không được phép thực hiện và chưa xuất hiện trong hệ thống quy định pháp lý của Malaysia.
Sau khi thử nghiệm thành công trong môi trường sandbox, BNM cho phép WorldRemit thực hiện đầy đủ phương pháp này, tạo tác động tích cực tới việc tiếp cận các dịch vụ tài chính tại khu vực xa xôi, khó đi lại.
Đồng thời, BNM cung cấp hướng dẫn nhận diện khách hàng điện tử, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác được áp dụng công nghệ tương tự WorldRemit để cung cấp sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với những tiến bộ khoa học - công nghệ làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực, các quốc gia đang coi sandbox là công cụ cần thiết để nắm bắt lợi thế từ công nghệ, đồng thời có sự kiểm soát rủi ro xuất hiện từ những biến động mới.
Trong số các quốc gia đang sử dụng mô hình khung khổ pháp lý thử nghiệm, Singapore được đánh giá là trường hợp thành công điển hình.
Mặc dù chỉ là một quốc gia nhỏ với diện tích đất liền 721,5 km2, Singapore vẫn sở hữu trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, là điểm đến của hoạt động đầu tư trên toàn cầu, nơi đặt trụ sở tại châu Á của nhiều gã không lồ công nghệ và mạng xã hội, điển hình là Google và Facebook.
Singapore cũng là quê nhà của Grab, hãng dịch vụ chia sẻ xe đang có sự mở rộng mạnh mẽ trên thị trường khu vực và là doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực kinh tế chia sẻ (sharing economy) của quốc gia này.
Bước tiến ra các thị trường nước ngoài của Grab có sự hậu thuẫn lớn từ Chính phủ Singapore, khi quỹ đầu tư có sở hữu nhà nước Temasek Holdings là cổ đông lớn của Grab.
Thực tế, sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại nhiều lĩnh vực cũng đi kèm với việc gia tăng số lượng các vấn đề pháp lý và quy định, đe dọa tới sự tồn tại của các mô hình kinh tế mới.
Trong bối cảnh không thể đi ngược xu thế phát triển của các loại hình kinh doanh mới, việc thí điểm sandbox thể hiện bước tiến về tư duy của nhà quản lý, khi tạo môi trường an toàn cho phép giới chức thực hiện các thí nghiệm quản lý nhằm kiểm soát rủi ro, trong khi vẫn cổ vũ sự phát triển của các loại hình kinh tế mới.
Ngày 7/11/2019, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng nhau phân tích về sự cần thiết tạo lập một cơ chế Sandbox tại Việt Nam, cách thức triển khai phù hợp nhất dựa trên những kinh nghiệm thành công của các nước trên thế giới. Đại diện các doanh nghiệp cũng sẽ đưa những góc nhìn từ thực tế hoạt động và kiến nghị các giải pháp chính sách tới các cơ quan chính phủ.
Thông qua đó sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp các cơ quan quản lý có thêm góc nhìn toàn diện về nền kinh tế chia sẻ, thấu hiểu hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo lập và sửa đổi các khuôn khổ pháp lý một cách linh hoạt và hợp lý trước khi đưa ra các quy chế quản lý mới. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của thị trường, lan tỏa thông điệp về những giá trị tích cực, lợi ích thiết thực mà các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.