Từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, giá thép xây dựng đã tăng khoảng 42-56%, tùy loại
"Cần một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ với các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng thép chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra", ông Đa nhận định.
Năm 2020, sản xuất thép xây dựng của các doanh nghiệp thuộc VSA đạt hơn 10 triệu tấn. Vậy có thể gia tăng sản xuất nữa không, thưa ông?
Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất thép xây dựng danh nghĩa (của các thành viên thuộc VSA) là gần 20 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản xuất thép xây dựng đạt 12 triệu tấn, tức là mới phát huy được khoảng 60% công suất.
Tôi dùng từ “danh nghĩa” là bởi có những doanh nghiệp có đăng ký nhưng đã dừng hoặc thu hẹp hoạt động do khó khăn trong năm qua nhưng họ chưa thông báo với VSA.
Hơn nữa, hiện nay một số doanh nghiệp lớn không phải là thành viên của VSA có quy mô công suất 0,5 triệu tấn đến trên 1,0 triệu tấn/năm.
Ước tính nếu tính cả các doanh nghiệp ngoài VSA, công suất cán thép xây dựng cả nước có thể lên tới 22 - 23 triệu tấn/năm. Nói như vậy để thấy rằng chúng ta hoàn toàn có dư địa lớn để gia tăng sản lượng.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam |
Vậy với thực trạng ngành thép hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu trong nước có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?
Trong 4 tháng đầu năm, sản xuất của ngành thép vẫn tăng trưởng mạnh. Trước đó năm 2020 cũng tăng trưởng hơn 10%.
Năm ngoái, sản xuất phôi trong nước đạt 15 triệu tấn, bao gồm cả xuất khẩu hơn 3 triệu tấn. Trong quý 1/2021, lượng phôi xuất khẩu (của các thành viên trong VSA là hơn 700.000) tấn tương đương với mức năm 2020 (tính trung bình quý).
Có thực tế là nhu cầu thị trường quốc tế đang tăng nên doanh nghiệp tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp. Điều này khiến lượng cung cấp cho trong nước có thể giảm xuống.
Tuy nhiên cần phải thấy rằng, thép là mặt hàng liên thông quốc tế, được điều khiển hoàn toàn bởi thị trường, nên nếu tăng năng lực sản xuất trong nước hay hạn chế xuất khẩu như một số ý kiến đang được nhắc tới thì câu chuyện giá cả cũng cần phải có xử lý tương ứng.
Giá đầu vào cho sản xuất thép là quặng sắt, phế liệu hay phôi thép đều theo giá thế giới và nguyên liệu chiếm chi phối trong giá thành sản phẩm.
Bên mua - bên bán có gặp nhau ở giá không, nếu không thì dù năng lực sản xuất tăng lên nhưng vẫn không mua được thép thành phẩm. Chưa kể, doanh nghiệp bên bán nếu không có lợi thì họ không sản xuất nhiều.
Như vậy, cái khó khăn ở đây không phải là vấn đề sản lượng, mà là vấn đề giá. Về bản chất, vấn đề này sẽ được thị trường điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Để bình ổn thị trường, thì Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền.
Thị trường thép thế giới tăng giá mạnh trong nửa năm qua, VSA nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Nhận thấy xu hướng tăng giá thép trên thị trường thế giới từ cuối 2020, VSA vào đầu quý I/2021 cũng gửi công văn lên một số cơ quan liên quan để cảnh báo vấn đề này.
Đến nay giá thép thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, VSA cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đồng thời cũng gửi văn bản đến các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội để khuyến nghị gia tăng sản xuất, tiết giảm chi phí và ưu tiên sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm cho sản xuất trong nước để góp phần kiềm chế tăng giá thép trên thị trường.
Thị trường thép trong nước rất liên thông với thị trường thép thế giới nên muốn phát triển bền vững thì phải có chiến lược dài hạn, chứ cứ đối phó kiểu "nước đến chân mới nhảy" thì lúc nào cũng lúng túng.
Trung Quốc - thị trường thép lớn nhất thế giới gần đây có những chính sách rất mới với ngành thép của họ. Điều này ảnh hưởng ra sao tới thị trường thép quốc tế, thưa ông?
Chúng tôi theo dõi sát hoạt động của ngành thép Trung Quốc và nhận thấy họ có những thay đổi trong chính sách phát triển ngành thép.
Cụ thể, Trung Quốc thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng thép để giảm khí thải, bảo vệ môi trường. Từ 1/5/2021, Trung Quốc bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm thép nhằm hạn chế xuất khẩu.
Năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu 53 triệu tấn thép các loại. Năm 2021, dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ giảm. Có nghĩa lượng cung từ thị trường Trung Quốc cho thị trường thế giới giảm xuống, trong khi nhu cầu thép toàn cầu dự báo tăng, dẫn tới giá thị trường thép bị đẩy lên.
Trung Quốc dường như đang hướng tới việc trở thành nước nhập khẩu thuần thép, tức là nhập nhiều hơn xuất. Điều này có thể là bởi họ hạn chế sản xuất thép thô, tăng cường nhập khẩu bán thành phẩm, sản phẩm thép thông thương để giảm lệ thuộc vào quặng sắt nhập khẩu, giảm tiêu hao điện, năng lượng và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Thực tế của thị trường thép thế giới như vậy đòi hỏi Việt Nam làm gì để ứng phó, thưa ông?
Góc độ doanh nghiệp thì đương nhiên có lãi sẽ làm và có thể dẫn tới câu chuyện sản xuất thép thô ở Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu. Như vậy, doanh nghiệp thu lợi nhưng ô nhiễm môi trường, tiêu hao năng lượng đều gia tăng và trong nước chịu.
Việt Nam đang ở trong top 15 nước hàng đầu thế giới về sản xuất thép thô và đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép, nên có thể nói ngành thép Việt Nam đang có vị thế nhất định trong khu vực và thế giới.
Tôi cho rằng hơn lúc nào hết, chúng ta cần một chiến lược phát triển ngành thép tổng thể, đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ với các ngành cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng thép chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra.