Nhu cầu khổng lồ của thế giới cho các thiết bị điện tử là động lực chính thúc đẩy năng suất công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh.

Nhu cầu khổng lồ của thế giới cho các thiết bị điện tử là động lực chính thúc đẩy năng suất công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh.

Sản xuất và thương mại hồi phục mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc sản xuất và thương mại trên thế giới đang chứng kiến đà hồi phục mạnh mẽ, cổ phiếu được dự đoán sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Giao thương nhộn nhịp

Dữ liệu từ một số quốc gia cho thấy, các trung tâm sản xuất của thế giới tại Đông Á đang bùng nổ khi giao thương toàn cầu nhộn nhịp và quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19 diễn ra mạnh hơn.

Cụ thể, sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 3/2021 tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm, trong khi đó, các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản có những chuyển biến tích cực đầu tiên kể từ mua Thu năm 2019.

Không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Á, hoạt động sản xuất trên toàn châu Á đang có dấu hiệu tăng mạnh mẽ. Bởi lẽ, nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu của châu Á tăng cao nhờ những gói kích thích quy mô lớn tại Mỹ và một số nước châu Âu, trong khi nỗ lực tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 làm tăng cơ hội cho kinh tế năm nay phục hồi theo hình chữ V.

Số liệu được công bố tại khu vực châu Âu cho thấy một viễn cảnh tương tự khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do HIS Market thống kê thể hiện mức tăng nhanh nhất về sản lượng, các đơn hàng mới và hoạt động trao đổi hàng hóa trong 24 năm qua.

Nhu cầu gia tăng trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thông suốt, vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khiến giá đầu vào và đầu ra đều tăng, dẫn đến lạm phát tăng.

Quay trở lại châu Á, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 3/2021 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái - con số cao nhất kể từ năm 2018. Vận chuyển hàng hóa tới Mỹ và châu Âu tăng mạnh, giá trị đạt tới một trong những mức cao nhất từng được ghi nhận. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đáng kể.

Chỉ số PMI tại Hàn Quốc đang ở mức 55,3, không đổi so với tháng 2, nhưng đó là tháng ghi nhận con số tốt nhất kể từ năm 2012. Chỉ số này trên 50 cho thấy tình hình đang cải thiện so với các tháng trước đó.

Tại Nhật Bản, tâm lý các nhà sản xuất ô tô, điện tử và các sản phẩm khác tăng lên 5 điểm trong tháng 3/2021, vượt qua mức 0 lần đầu tiên kể từ tháng 9/2019. Kết quả tích cực cho thấy số người lạc quan đang lấn áp lượng người bi quan - số liệu thực cao hơn nhiều so với mức dự đoán âm 1.

Nhà kinh tế Hideo Kumano tại Viện Nghiên cứu cuộc sống Dai Ichi nhận xét: “Điều này cho thấy, Chính phủ không cần các gói cứu trợ khổng lồ như tại Mỹ, mà chỉ cần cần hỗ trợ trên một số lĩnh vực”.

Sức mạnh PMI

Chỉ số PMI sản xuất Calxin tháng 3/2021 của Trung Quốc, theo dõi các nhà sản xuất có quy mô nhỏ, giảm nhẹ từ mức 50,9 xuống 50,6, nhưng chỉ số các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng từ mức 47,6 lên 51,4.

Số liệu được công bố một ngày sau khi chỉ số PMI chính thức của quốc gia này tăng trong tháng 3, với khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng nhờ nhu cầu mạnh mẽ của thị trường nội địa và quốc tế.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs đánh giá, cả hai chỉ số PMI trên đều cho thấy sự hồi phục của số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu và áp lực lạm phát trong tháng 3.

Tại những khu vực khác của châu Á, chỉ số PMI của Đài Loan tiến lên mức 60,8 - cao nhất trong vòng một thập kỷ; chỉ số PMI của Việt Nam và Indonesia tiếp tục mở rộng; ở Malaysia và Thái Lan, mặc dù dưới mức 50, nhưng chỉ số PMI đang tiến lại gần ngưỡng khả quan.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics Ltd nhận định, nhu cầu khổng lồ của thế giới cho các thiết bị điện tử là động lực chính thúc đẩy năng suất công nghiệp. Động lực này có thể duy trì trong ít nhất vài tháng nữa. Do đó, công nghiệp châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế hồi phục.

Nâng dự báo tăng trưởng thương mại và kinh tế

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa nâng mức dự đoán về tăng trưởng thương mại năm 2021 lên 8%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Năm ngoái, đại dịch Covid-19 khiến giá trị thương mại toàn cầu chỉ tăng 5,3%.

Nhu cầu gia tăng trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến giá đầu vào và đầu ra đều tăng.

Giao dịch hàng hóa thế giới hồi phục ngay trong thời kỳ đại dịch, với việc người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển tiếp tục tiêu tiền cho những sản phẩm chế tạo, kể cả khi họ cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ khi chính quyền áp dụng lệnh cách ly nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch lây lan.

Theo số liệu của Tổ chức Giám sát thương mại thế giới (CPB), giao dịch toàn cầu trong tháng đầu năm 2021 đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

Các nhà kinh tế tại Bloomberg dự báo, kinh tế thế giới có thể tăng 6,9% trong năm nay, đủ nhanh để đưa sản xuất quay trở lại trước mức trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Mỹ và Trung Quốc là hai đầu tàu dẫn dắt quá trình phục hồi của kinh tế thế giới.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 5,5% lên 6%. Năm ngoái, kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3,3%, ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất kể từ Đại suy thoái năm 1929.

Mức dự báo tăng 6% là mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 thập kỷ, nhưng IMF cũng cảnh báo nguy cơ “vết sẹo” kinh tế dài hạn. Không ít nền kinh tế cả phát triển, mới nổi và đang phát triển có thể chưa trở lại ngưỡng trước đại dịch Covid-19 cho tới năm 2022 hoặc 2023.

Quy mô kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến vẫn nhỏ hơn 3% so với trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Một số quốc gia phụ thuộc vào du lịch có thể gặp khó khăn kéo dài.

Tin bài liên quan