Sản xuất thép xây dựng giảm 37,2% trong tháng 11/2022

Sản xuất thép xây dựng giảm 37,2% trong tháng 11/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thép toàn cầu gặp nhiều thách thức và biến động, sản xuất thép Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tháng 11/2022. 

Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đưa ra nhận định, tháng 11/2022, Việt Nam có những điểm sáng về sản xuất và nhu cầu thép so với những tháng trước đó, tuy nhiên không đáng kể, dù nhà nước đã có những chính sách được đánh giá là tích cực đối với ngành sản xuất.

Với thép xây dựng, sản lượng sản xuất tháng 11/2022 đạt 682.800 tấn, giảm 5,28% so với tháng trước, và giảm 37,2% so với tháng 11/2021; bán hàng đạt 874.631 tấn, tăng 22,73% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 97.462 tấn, giảm 52,5% so với tháng 11/2021.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép xây dựng đạt 11,248 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2021; bán hàng đạt 11,247 tấn, tăng 3,3%; trong đó, xuất khẩu đạt 2,038 triệu tấn, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá thép xây dựng trong nước, sức ép nhu cầu tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán thép xây dựng.

Các nhà máy đều gặp khó khăn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Hơn nữa, xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực. Đầu tháng 12 vừa qua, các nhà máy đã xem xét điều chỉnh một phần giá bán thép, đặc biệt là thép cây với mác CB4, CB5… Giá bán thép xây dựng trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 14.500 - 15.350 đồng/kg (Chưa bao gồm VAT) tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp và vùng miền cụ thể.

Biểu đồ sản xuất thép xây dựng từ năm 2019 - 2022.
Biểu đồ sản xuất thép xây dựng từ năm 2019 - 2022.

Với thép cuộn cán nóng (HRC), sản xuất thép đạt 426.393 tấn, giảm 8,27% so với tháng 10/2022 và giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng đạt 463.114 tấn, giảm 18,38% so với tháng trước và giảm 21% so với cùng kỳ 2021.

11 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 5,738 triệu tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng đạt 5,785 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ 2021.

Thép thành phẩm các loại cũng ghi nhận đạt 1,825 triệu tấn trong tháng 11/2022, giảm 10,78% so với tháng 10/2022 và giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép các loại đạt 1,942 triệu tấn, tăng 2,87% so với tháng trước nhưng giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 27,12 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 25,1 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 5,763 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất, bán hàng thép thành phẩm các loại 11 tháng năm 2022.

Sản xuất, bán hàng thép thành phẩm các loại 11 tháng năm 2022.

Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động mạnh. Cụ thể, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý II và quý III/2022 đến nay liên tục giảm, với mức giảm xấp xỉ 50 - 60% so với hồi quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Trên thế giới, một số tập đoàn thép lớn có kế hoạch đóng cửa lò cao như AcelorMetal… thì Việt Nam cũng có các nhà máy thép lớn đã dừng hoạt động của một số lò cao như Hoà Phát, Tisco..., hoặc giãn kế hoạch sản xuất như Thép Miền Nam, maruichi Sunsco...

VSA dự báo, bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng, khả năng suy thoái trong ngắn hạn và các vấn đề về xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023.

Tin bài liên quan