7 tháng 2022, 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.
Bộ Công thương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước trong tháng 7/2022 tiếp tục đà hồi phục mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với các tháng trước đó, cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.
Cụ thể, chỉ số IIP tháng7 mặc dù chỉ tăng 1,6% so với tháng 6 nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%).
Tính chung 7 tháng 2022, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7%, ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,4%, ngành khai khoáng tăng 3,6%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp duy trì đà khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.
Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1%.
Báo cáo của Bộ Công thương còn ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cụ thể, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 53,4%; Hà Giang tăng 27,7%; Bình Phước tăng 25%; Khánh Hòa tăng 23,2%; Quảng Nam tăng 21,7%; Sơn La tăng 15,7%; Đắk Lắk tăng 14,5%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Điện Biên tăng 59,8%; Cao Bằng tăng 57,2%; Lai Châu tăng 56,3% do thủy điện tăng cao.
Đặc biệt, Lai Châu đã vươn lên đứng đầu về tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng năm 2022, đạt 54,4%, chủ yếu do chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhờ thuỷ điện.
Trong 5 tháng còn lại, Bộ Công thương cho biết, sẽ theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểmđể nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Các địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Trong dài hạn, Bộ cho rằng cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...