Nhiều doanh nghiệp đang tập trung mở rộng sản xuất - kinh doanh sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng này đã cao hơn nhiều so với mức tăng 2,2% và 5,5% trong 8 tháng của hai năm Covid-19, song vẫn thấp hơn mức 10,8%; 9,5% của 8 tháng hai năm 2018-2019. Dù vậy, có thể thấy, sản xuất công nghiệp đang phục hồi đà tăng như trước.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,4%...
Điều đáng quan tâm là, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. Hai địa phương giảm là Trà Vinh (giảm 26,6%) và Hà Tĩnh (giảm 15%).
Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Chẳng hạn, Bắc Giang - tăng 53,9%; Cần Thơ - tăng 28,4%; Khánh Hòa - tăng 25,8%; Quảng Nam - tăng 25,5%; Vĩnh Long - tăng 25,1%; Bến Tre - tăng 22,7%.
Trong khi đó, Đắk Lắk tăng 42,7%; Lai Châu tăng 40,7%; Sơn La tăng 31,3%; Hà Giang tăng 27,4%, chủ yếu do thủy điện tăng cao.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Chẳng hạn, Lào Cai tăng 9,3%; Quảng Ngãi tăng 6,7%; Bắc Kạn tăng 5,4%; Ninh Bình tăng 3,3%...