Sàn UPCoM, dấu hỏi về triển vọng

Sàn UPCoM, dấu hỏi về triển vọng

(ĐTCK) 1,73 tỷ đồng/phiên là giá trị giao dịch bình quân của sàn UPCoM, tính trong 10 tháng đầu năm nay theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Con số này chỉ bằng 8% so với giá trị giao dịch trung bình/phiên tại sàn này tính trong năm 2012 (20,26 tỷ đồng).

Giá trị giao dịch 1,73 tỷ đồng/phiên nhỏ đến mức khó có thể tưởng tượng được, nếu so sánh với hiện trạng thị trường UPCoM: 139 cổ phiếu đăng ký giao dịch, với giá trị đăng ký lên tới 20.543 tỷ đồng.

Vì sao UPCoM lại bị “đóng băng” và tương lai sàn này đi về đâu, là hai câu hỏi đáng đặt ra lúc này.

 

UPCoM, vì sao “đóng băng”?

Với 139 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch, sàn UPCoM hiện có tới 86 thành viên giao dịch (86 công ty chứng khoán đóng vai trò tổ chức tài chính trung gian trên thị trường này).

10 tháng đầu năm nay, sở dĩ UPCoM có thanh khoản chủ yếu là thông qua các thành viên tích cực, như CTCK Ngân hàng Nông nghiệp, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, CTCK HSC, CTCK Vietcombank, CTCK FPTS, CTCK Rồng VIệt, CTCK PSI, CTCK Bản Việt, CTCK Đệ Nhất.

Các thành viên giao dịch còn lại phát sinh rất ít giao dịch hoặc hầu như không có giao dịch trên UPCoM. Theo HNX, khó khăn trên thị trường UPCoM là tính thanh khoản hạn chế, chưa thu hút dược nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Về hàng hóa, sàn UPCoM có gần 10 DN có vốn hóa lớn (trên 500 tỷ đồng) như CTCP Thủy điện Miền Trung (1.200 tỷ đồng; CTCP Gang thép Thái Nguyên (1.800 tỷ đồng); CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (2.560 tỷ đồng); CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội (2.000 tỷ đồng)… Cũng có không ít DN trên sàn UPCoM có hiệu quả kinh doanh cao, trả cổ tức ổn định 20 - 30%/năm.

Nhưng với giá trị giao dịch trung bình 1,73 tỷ đồng/phiên, sàn UPCoM dường như không nhận được sự quan tâm đáng kể nào của nhà đầu tư, của các thành viên thị trường.

Sàn UPCoM, dấu hỏi về triển vọng ảnh 1

Sàn UPCoM gần như bị nhà đầu tư bỏ rơi

Thông tin về DN thưa thớt (DN chỉ phải công bố báo cáo tài chính năm), số DN yếu kém về hoạt động chiếm đa số, các DN có hoạt động hiệu quả thì tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nội bộ lớn, không có nhu cầu bán ra… là những nguyên nhân trực tiếp khiến sàn UPCoM không được quan tâm trong mắt nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, do thanh khoản quá hạn chế, nhiều cổ phiếu bị treo ở một mức giá cố định cả tháng, cả năm liền, nên mức độ đóng băng của cổ phiếu cứ ngày một dày lên, giá treo trên bảng điện không còn có tính thực tiễn.

Mặc dù HNX có những bước cải tiến kỹ thuật để thúc đẩy tính thanh khoản trên UPCoM, nhưng cái vòng luẩn quẩn “thanh khoản kém, nhà đầu tư không quan tâm, thanh khoản càng kém” vẫn bám riết lấy sàn này.

Làm cách nào để UPCoM “sống dậy” là câu hỏi không chỉ một lần nhà quản lý phải đặt ra.

 

Tương lai sàn UPCoM đi về đâu?

Tương lai UPCoM đi về đâu là 1 trong 10 câu hỏi chính mà Đầu tư Chứng khoán đã chuyển đến HNX hồi đầu năm 2013 trước hiện trạng sàn này có giao dịch quá hạn chế.

Theo HNX, sàn UPCoM ra đời (năm 2009) với kỳ vọng là một sàn cơ sở, giúp các DN đại chúng làm quen với cơ chế giao dịch, công bố thông tin của TTCK, là nơi để các cổ đông thuận tiện khi mua - bán cổ phiếu và là nơi để hình thành định giá cổ phiếu mỗi ngày.

UPCoM ra đời xuất phát từ một đặc điểm riêng có tại Việt Nam, đó là quá trình IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) tách rời việc niêm yết.

UPCoM chính là bước đệm cho các DN chuẩn bị lên sàn, đồng thời để thực hiện định hướng lớn là thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường được quản lý mà Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam. 

Nhưng UPCoM ra đời đúng vào giai đoạn đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam - năm 2009, khi nền kinh tế thế giới bị suy thoái, khủng hoảng, mang đến sự khó khăn chung cho hàng chục, hàng trăm nghìn DN Việt Nam.

Nhiều DN phá sản, ngừng hoạt động và dường như đại đa số các ông chủ DN không muốn đưa cổ phiếu lên sàn, không muốn định giá cổ phiếu...

Bên cạnh đó, dù ra đời với sứ mệnh thu hẹp thị trường tự do, nhưng Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các DN đại chúng phải lên sàn, cũng là yếu tố khiến UPCoM chưa được hậu thuẫn về pháp lý.

Khởi đầu trong môi trường không thuận lợi về cả khách quan và chủ quan, sàn UPCoM không có đất để phát triển.

Nhưng tương lai UPCoM có thể sẽ khác, nếu các DN ý thức rõ trách nhiệm của mình với cổ đông và thực hiện nghiêm túc Nghị định 108/2013/NĐ-CP.

Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ buộc các DN phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung (sàn niêm yết hoặc UPCoM) trong vòng 1 năm, nếu không DN sẽ bị phạt nặng (100 - 200 triệu đồng), đồng thời phải đối diện với khả năng cổ đông đòi rút vốn.

Với quy định này, quy chuẩn pháp lý Việt Nam đang tiến gần hơn với thông lệ quốc tế, gắn quá trình IPO với lên sàn (nhưng cho phép DN có 1 năm để chuẩn bị). Một mặt, hướng các DN theo quy chuẩn hoạt động minh bạch, nhưng mặt khác, Nghị định cũng đang mở ra cơ hội mới cho các sàn giao dịch: DN đại chúng lớn, đủ điều kiện sẽ niêm yết trên HOSE hoặc HNX; DN đại chúng khác chưa đủ điều kiện niêm yết hoặc muốn có bước tập dượt trước khi chính thức niêm yết thì UPCoM sẽ đáng được xem xét.

Tuy nhiên, dự báo khả quan trên chỉ là dự báo. Triển vọng sàn UPCoM vẫn là dấu hỏi lớn khi nền kinh tế tiếp tục trì trệ như hiện nay.

>> Cái “lắc đầu” với UPCoM

>> Bất ngờ UPCoM

>> Sẽ tăng thanh khoản cho thị trường UPCoM

>> Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn