Những năm gần đây, ở Quảng Nam phát triển nghề trồng cây keo tràm.
Rừng keo tràm là nơi kiến tìm đến đóng tổ trên ngọn cây, nhiều người dân địa phương đã kiếm thêm bằng nghề lấy trứng kiến.
Để lấy được trứng kiến, người dân dùng sào tre dài chừng 6 m, phía trên vót nhọn, gắn bao tải. "Kiến bò rất nhanh nên phải làm gọn gàng. Nếu chậm chạp sẽ bị kiến đốt sưng khắp người", anh Linh - một thợ săn trứng kiến cho hay.
Anh Linh có kinh nghiệm săn trứng kiến được hơn 3 năm.
Mỗi khi đi săn, cây sào được anh dựng chéo góc với tổ kiến rồi đưa vào chọc thủng nơi kiến ở, nhằm tránh kiến rơi trúng người, sau đó lắc mạnh cho trứng rơi vào bao. Còn kiến rơi xuống cách xa người đến vài mét.
Theo anh Linh, đây là loại kiến ngựa, "tổ nào to, lá xanh, cành cây sà xuống thì nhiều trứng, còn tổ nào lá khô ít trứng, bình quân mỗi tổ chỉ được khoảng vài chục gram trứng kiến".
Nghề săn trứng kiến có thể giúp kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng, nên nhiều người theo học anh Linh. "Tuy nhiên đi được vài bữa, họ lại bỏ vì bị kiến cắn đau quá", anh nói.
Chọc xong tổ, thợ săn dùng bột năng bỏ vào bao tải. Thứ bột này sẽ đuổi kiến đi, đồng thời giữ những con non nằm lại.
Thợ săn đổ bao tải ra thau nhựa để đuổi kiến lấy trứng. Trứng kiến có màu trắng đục, to bằng hạt gạo.
Những con kiến đã bám vào trứng thường bám rất chắc, không chịu bò ra ra khỏi trứng. Thợ săn phải dùng que kiên nhẫn xua đuổi kiến bò ra khỏi thau nhựa.
Thời điểm tháng 2 và 3 Âm lịch, kiến sinh sản nhiều, mỗi ngày lấy được 5-6 kg, các tháng còn lại ít hơn. Giá trứng kiến khoảng 200.000 đồng/kg.
"Việc săn trứng kiến chỉ làm được vào buổi sáng, bởi đây là khoảng thời gian kiến hiền, còn trưa nắng, nhiệt độ cao kiến rất hung dữ", anh nói.