TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, Tiến sĩ Đại học Paris Dauphine

TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, Tiến sĩ Đại học Paris Dauphine

Sẵn sàng trước một thế giới bất định và phân cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cũng giống như “Trump 1.0”, ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump bắt đầu thực hiện các chính sách thuế với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn và các mặt hàng quan trọng với Mỹ. Diễn biến chính sách này chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nhưng có lẽ đây mới chỉ là một phần.

Xúc tác cho một thế giới đa cực và phân mảnh

Nhìn rộng hơn, qua các hành động và phát biểu của Tổng thống Donald Trump gần đây, ta có thể hình dung rõ ràng rằng, thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường, quá trình phân mảnh kinh tế và phân cực chính trị sẽ diễn ra nhanh hơn, ngày càng nhiều quốc gia tạo thế thủ cho riêng mình. Những diễn biến và xu thế này hoàn toàn ngược với các diễn biến trước đây trong trình toàn cầu hóa.

Tác dụng ngược

Nếu Mỹ không tính toán kỹ sẽ có tác dụng ngược và giúp các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc, vươn lên mạnh mẽ. Giống như chính sách thuế của Mỹ với Trung Quốc thời Trump 1.0, chính sách hiện tại có thể giúp giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng chưa đủ để kìm hãm đà tiến của đối thủ, thậm chí còn giúp nước này mạnh lên trong nhiều lĩnh vực vì có thể kích đúng vào khát vọng, tính tự cường dân tộc và thôi thúc họ phải tìm các hướng đi.

Kịch tính

Kể từ nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Trump đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành cao hơn Mỹ. Cụ thể, Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,01% trong 7 năm qua, trong khi Trung Quốc đạt được 5,74% (Hình 1).

Chính sách thuế của Mỹ với Trung Quốc chỉ giúp giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ 396 tỷ USD xuống 319 tỷ USD, tức bình quân 3%/năm, nhưng Trung Quốc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân cao hơn hẳn Mỹ với tỷ lệ 5,9% kể từ năm 2017, trong khi Mỹ chỉ đạt 4,7%. Mức thặng dư thương mại của Trung Quốc trong cùng kỳ là 993 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân là 14%, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục tăng từ 517 tỷ USD năm 2017 lên 918 tỷ USD năm 2024.

Nhìn thêm một động lực tăng trưởng GDP khác là tiêu dùng nội địa thì Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng từ cấu phần này, khi tỷ lệ tiêu dùng/ GDP của Trung Quốc hiện khá thấp so với Mỹ.

Rút khỏi các tổ chức đa phương

Ngày 4/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký văn bản dừng hợp tác với một số tổ chức thuộc Liên hợp quốc, bao gồm Tổ chức Nhân quyền của Liên hợp quốc, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine và xác nhận kế hoạch đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ông Trump cũng “đe dọa” rằng, Mỹ sẽ rút khỏi các định chế toàn cầu khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thuế quan và thương mại

Về thương mại và thuế quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada, Trung Quốc… Ngoài hướng đánh thuế theo quốc gia nhằm tạo đòn bẩy và giành lại lợi thế với các đối tác thương mại lớn, ông Trump còn triển khai hướng đánh thuế theo chiều rộng, tức từng bước xem xét và đánh thuế các mặt hàng nhập vào Mỹ. Ngày 10/2/2025, ông Trump tuyên bố áp thuế quan mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Địa chính trị

Nhiều lần Tổng thống Trump ngỏ ý muốn Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ, muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch và bằng cách nào đó, Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên Panama buộc Panama phải tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào ngày 6/2/2025.

Hàm ý chiến lược

Theo tư duy logic thông thường thì các hành động trên của Mỹ thể hiện nhiều điều quan trọng định hình thế giới trong tương lai.

Thứ nhất, các hệ thống quản trị toàn cầu sẽ bị phá vỡ hoặc ít nhất là suy yếu. Có thể các hệ thống này có vấn đề về hiệu quả, nhưng ít nhất có một cách khác là cải tiến để làm nó hiệu quả, nhưng với những hành động trong nhiệm kỳ trước và gần đây thì ta có thể thấy, Tổng thống Donald Trump thích chọn cách phá bỏ.

Thứ hai, Mỹ và Canada được ví như anh em. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại, Mỹ và Canada đã ký kết nhiều hiệp định khung: năm 1989 ký Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Canada, năm 1994 ký Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và chính ông Trump là người đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Vậy mà giờ đây, ông Trump dọa đánh thuế Canada, trong khi mức thâm hụt thương mại với nước này không lớn, chỉ khoảng 63 tỷ USD năm 2024, thì điều đó mang hàm ý gì?

Trong nhiều phát biểu và trao đổi, ông Donald Trump thể hiện ý tưởng muốn biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ và ngỏ ý mua đảo Greenland của Đan Mạch. Tôi không rõ ý nghĩa chiến lược đằng sau các thông điệp này của ông Trump, nhưng rõ ràng về mặt ngoại giao là khiếm nhã và động thái này sẽ giúp cho các cực còn lại (có thể là các cường quốc như Nga và Trung Quốc) có động cơ, ham muốn sử dụng nhiều hành động hay sức ép quân sự tương tự.

Thương chiến Mỹ - Trung

Thương chiến giữa Mỹ với Trung Quốc chắc chắn đã và sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới cả hai bên và kinh tế toàn cầu, nhưng đây có lẽ không phải là tâm điểm. Bởi lẽ, Trung Quốc giờ đã lớn mạnh và dự báo sẽ bắt kịp Mỹ trong 30 - 40 năm tới về quy mô GDP nếu hai nước duy trì tốc độ tăng trưởng GDP quanh mức bình quân như 7 năm qua.

Nếu Mỹ có đánh thuế thì Trung Quốc dự kiến sẽ có những đòn đáp trả và bài thuế với Trung Quốc ở nhiệm kỳ trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không hiệu quả, thậm chí còn làm cho Trung Quốc mạnh thêm với một số chỉ tiêu như đa dạng mặt hàng và thị trường xuất khẩu, gia tăng thặng dư thương mại mạnh mẽ, vì đã kích vào tinh thần dân tộc và thôi thúc Trung Quốc tìm hướng đi mới.

Hơn nữa, Mỹ có nhiều ràng buộc về kinh tế tại Trung Quốc bởi các tập đoàn lớn đang đóng đô tại đây như Nhà máy Tesla ở Thượng Hải, Tập đoàn nghỉ dưỡng và giải trí Las Vegas Sands ở Macao... Tất cả những ông chủ của các tập đoàn này đều là bạn thân của ông Donald Trump và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, thậm chí Elon Musk còn đang nắm ghế Bộ trưởng trong Chính phủ Mỹ.

Việt Nam cần làm gì?

Với các diễn biến trên, tôi tin rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có những sự chuẩn bị, đặc biệt theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế các tác động để đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên vươn mình và thịnh vượng.

Theo logic thông thường, chúng ta cần chú trọng đến “khẩu vị” của ông Trump để hài hòa trong quan hệ song phương với Mỹ và các bên liên quan. Chúng ta phải khéo léo trong quan hệ ngoại giao, nhanh chóng đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu…

Và cuối cùng, tinh thần tự lực tự cường, xây dựng nội lực mạnh mẽ và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu luôn là kim chỉ nam của các quốc gia phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

Tin bài liên quan