Thay đổi sâu rộng
Theo kết quả khảo sát gần đây của Gartner, các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, các công nghệ hàng đầu sẽ làm thay đổi tổ chức của họ trong 5 năm tới bao gồm: Phân tích nâng cao, Internet vạn vật (IoT), an ninh số, giải thuật kinh doanh, máy học, trợ lý khách hàng ảo, thực tế tăng cường, blockchain, xe tự lái và robot thông minh…
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sớm có sự chuẩn bị để “sinh tồn” khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra. Chẳng hạn, từ năm 2013, FPT đã xác định S.M.A.C. (social, mobility, bigdata/analytics, cloud) là công nghệ nền tảng cho phát triển của Công ty trong tương lai ở cả Việt Nam và trên thế giới. Việc xác định đúng đắn này đã tạo tiền đề cho những phát triển của FPT trong những năm sau đó. Từ năm 2015, trên nền tảng S.M.A.C, FPT tiếp tục đón đợt sóng số mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tinh thần “cùng tiên phong trong cuộc cách mạng số” và nền tảng cho chuyển đổi số với trung tâm là công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), IoT và Dữ liệu lớn/Phân tích (BigData/Analytics).
Hiện tại, các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, dễ nhận thấy nhất của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư bao gồm giao thông/logistics; y tế; tài chính ngân hàng; thành phố thông minh.
Ông Phan Thanh Sơn
Theo đó, trong lĩnh vực giao thông/logistics, hàng loạt các giải pháp đã, đang và dự kiến triển khai như: Giải pháp giao thông thông minh cho đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không; thành phố thông minh kết hợp với an ninh/an toàn công cộng như ở một số tuyến cao tốc, đường sắt Việt Nam, TP. HCM, Hà nội… Nền tảng giải pháp cho giao thông và logistics giúp cải thiện hiệu quả của hệ thống giao thông và logistics, tạo điều kiện phát triển và cạnh tranh cho các ngành nghề kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề và nhu cầu xã hội.
Trong khi đó, các ứng dụng công nghệ mới cũng bắt đầu thay đổi diện mạo của hệ thống y tế tại Việt Nam. Đơn cử, FPT đang triển khai hệ thống bệnh viện thông minh trên hơn 200 bệnh viện hàng đầu ở Việt Nam.
Theo đó, giải pháp bệnh viện thông minh với các tính năng thông minh mới trên nền Cloud giúp triển khai nhanh chóng, hiệu quả cho hàng trăm bệnh viện, cơ sở khám/chữa bệnh còn lại trong thời gian ngắn hơn rất nhiều, chi phí hợp lý hơn so mới mô hình truyền thống; các ứng dụng mobile theo dõi và chăm sóc nội trú cũng như ứng dụng hỗ trợ người bệnh; mô hình bệnh viện “không giấy” với việc số hóa tối đa các quy trình, thủ tục đang còn phải vận hành bằng giấy tờ kể cả thanh toán điện tử/mobile, chữ ký số…
Tại lĩnh vực tài chính - ngân hàng, những xu thế mới đều đang được tích cực triển khai như nền tảng và các ứng dụng Digital Banking; nền tảng và giải pháp quản lý rủi ro ứng dụng BigData/Analytics và AI cho tài chính công, hải quan, bảo hiểm xã hội; các nền tảng, kết nối và ứng dụng Mobile/ Online/ Electronic Payment giúp tăng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong các lĩnh vực khác nhau…
Chuẩn bị tâm thế
Việc ứng dụng các công nghệ mới này sẽ có tác động như thế nào đến hành vi và thói quen của người dân? Thực tế, các công nghệ đột phá của 4IR đang chuyển đổi thế giới từ sự mong đợi của khách hàng cho đến cách con người sống, làm việc, giải trí và học tập, cũng như các mối quan hệ trong xã hội. Nhu cầu của con người sẽ đòi hỏi cá nhân hóa nhiều hơn hay còn gọi là mass personalization. Thói quen số, văn hóa số đã và đang làm thay đổi hành vi và thói quen của người dân nhanh hơn bao giờ hết.
Đơn cử chỉ trong một thời gian ngắn, ngắn hơn nhiều so với TV, Internet, mobile, số người dùng Facebook ở Việt Nam đã lên vị trí thứ 7 toàn cầu, số người sử dụng mạng xã hội này chiếm khoảng 50% dân số toàn quốc (loại trừ các tài khoản thương mại, sở hữu nhiều tài khoản…). Thậm chí tại TP. HCM, gần 100% cư dân có sử dụng Facebook. Và sự thể hiện vai trò, ý kiến, quan điểm và tài năng cá nhân đã được thay đổi hoàn toàn với trang mạng xã hội này.
Thực tế, Facebook mới là một công nghệ vào cuối cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nhưng đã mang tới những tác động to lớn. Do đó, chúng ta khó có thể hình dung hết khi các công nghệ như thiết bị tự hành, robotic, AI… tham gia vào cuộc sống, hoạt động kinh tế, xã hội thì hành vi và thói quen của con người sẽ thay đổi đến mức nào.
Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ra sao? Các doanh nghiệp/cá nhân cần có những thay đổi và hành động như thế nào để tận dụng tốt nhất các cơ hội đó?
Theo tôi, Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1IR), thứ hai (2IR) cho đến hơn một phần ba cuộc cách mạng lần thứ ba (3IR) trong chiến tranh nên không có được một nền móng khoa học, công nghệ vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội sau ngày thống nhất. Cách đây 20 năm, việc kết nối chính thức Internet đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Việt Nam, đánh dấu thời kỳ bùng nổ Cách mạng số.
Thực sự bắt đầu hơn 10 năm sau Công cuộc đổi mới từ 1986, so với các quốc gia khác, chúng ta chỉ có khoảng hơn 1/3 thời gian để gồng mình lao vào cách mạng công nghiệp 3.0 với quyết tâm cao của cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.
Trong suốt các cuộc cách mạng công nghiệp, có những thế hệ cá nhân, doanh nghiệp, lãnh đạo đất nước đóng vai trò duy trì, phát triển xu hướng mới. Có những thế hệ được lịch sử giao phó sứ mệnh lao vào cuộc cách mạng công nghiệp, làm cách mạng và chúng ta chính là lớp người được giao sứ mệnh này trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những bài học kinh nghiệm của 3IR, của Công cuộc đổi mới lần thứ nhất sẽ là những vốn quý để Việt Nam có thể cùng thực hiện Công cuộc đổi mới lần hai và cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một chiến lược thống nhất, dài hạn dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kiến tạo và hành động.
Sức mạnh, tương lai, khả năng cạnh tranh, sự phát triển bền vững phụ thuộc vào khả năng nhận biết, thích ứng, ứng dụng các nền tảng công nghệ mới. Chẳng hạn, công nghệ in 3D đã phát triển lên mức cao, có khả năng in đa vật liệu, chính xác và tinh xảo cho phép chuyển từ phương thức chế tạo giảm trừ (subtractive manufacturing) sang chế tạo tích lũy (addictive manufacturing) có ảnh hưởng lớn lên phương thức sản xuất, phân phối, bán lẻ, cung cấp dịch vụ cho hàng hóa trong tương lai.
Các công xưởng không ánh đèn với đội ngũ robot hùng hậu có thể làm việc không mệt mỏi, không sai sót với năng xuất cao. Các nhân viên kiểu mới (new collar) thay vì tham gia quá trình sản xuất chuyển sang huấn luyện cho AI, robot học các kỹ năng, kiến thức… hay hợp tác với robot trong một dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới được số hóa cao độ. Các bộ phận cấy ghép nhân tạo có thể nhận biết được thế giới bằng các cảm biến và giao tiếp với hệ thần kinh của con người…
Khi đó, thế mạnh của những nước có lao động phổ thông đông đảo và rẻ dần mất đi, nhường chỗ cho lực lượng lao động mới, theo phương thức sản xuất, sử dụng vật liệu mới, phân phối theo một cách mới, kinh doanh theo mô hình kinh doanh với một hệ sinh thái… chưa bao giờ tồn tại. Hãy nhìn Uber, AirBnB, Fintech…, đó là những gợn sóng đầu tiên của cơn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức sự hiện diện của 4IR và có những chỉ đạo, hành động chiến lược như Chỉ thị 16 về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hội thảo quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với 9 bộ, Ngân hàng Nhà nước và IDG tổ chức, sách “Việt nam với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Ban Kinh tế Trung ương, các viện khoa học, các nhà khoa học/công nghệ/kinh tế hàng đầu biên soạn…
Các cá nhân, doanh nghiệp nên nghiêm túc nghiên cứu, tham khảo các thông tin, chỉ thị, tài liệu này, cũng như các tài liệu quốc tế (ví dụ cuốn sách cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF), để nhận thức rõ hơn, sâu hơn về bản chất và các khái niệm trong cuộc cách mạng này. Đây là yếu tố quan trọng đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp, vì mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh, rất khác theo những quy luật mới trong tương lai. Nếu không chuẩn bị kỹ cho mình, kết quả sẽ là tụt hậu và bị xóa bỏ.