Sẵn sàng đón đầu xu hướng thanh toán số

Sẵn sàng đón đầu xu hướng thanh toán số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc Khối Quản lý Giải pháp Thanh toán toàn cầu, HSBC Việt Nam, Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ phủ sóng 4G lên đến 99,8%, cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao.

Nhu cầu và năng lực này chính là một trong những yếu tố thúc đẩy hành trình số hóa trong nước, lan tỏa đến mọi mặt của đời sống, từ thủ tục hành chính đến mua sắm và thanh toán.

Trước đó, tại Hội nghị “Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” của Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 2 vừa qua, một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch được công bố chính là phấn đấu đến năm 2025, 100% dân số Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh. Một mục tiêu tham vọng như vậy phản ánh rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thời nay, đặc biệt trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi

Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc Khối Quản lý Giải pháp Thanh Toán Toàn Cầu, HSBC Việt Nam

Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc Khối Quản lý Giải pháp Thanh Toán Toàn Cầu, HSBC Việt Nam

Với những tiện lợi mà mua sắm trực tuyến và thanh toán số mang lại, người tiêu dùng nhanh chóng tiếp nhận và mong muốn có thêm các phương thức thanh toán nhanh chóng, an toàn từ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo bà Như Thùy, điện thoại thông minh đã trở thành “chiếc ví” có thể thực hiện mọi loại giao dịch thông qua tích hợp ứng dụng ngân hàng trực tuyến hay ví điện tử. Phương thức thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến với người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, với các hình thức thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR hay chuyển khoản ngân hàng. Thanh toán không tiền mặt không chỉ dành cho nhà hàng hay cửa hàng, mà còn được cả người bán hàng rong hay nhân viên giao hàng sử dụng.

Theo Ngân hàng Nhà Nước, hiện nay hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản tại ngân hàng, một số ngân hàng có số lượng giao dịch trên kênh số chiếm hơn 95%. Trong giai đoạn 2021-2023, thanh toán qua mã QR tăng trưởng cả về số lượng và giá trị, đạt hơn 170%. Trong bốn tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 57% về số lượng và gần 40% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 59% về số lượng và 36% về giá trị.

Bà Như Thùy nhận định, nhu cầu của người tiêu dùng đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường tích hợp công nghệ để kết nối với ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm tạo sự thuận tiện tối đa với các trải nghiệm mới, tiên tiến cho người mua, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo kết quả Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN của HSBC, được thực hiện đầu năm nay với 600 đại diện doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại sáu thị trường ASEAN lớn nhất: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết thanh toán số là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược công nghệ hoặc đầu tư của họ trong năm 2024, cũng là tỷ lệ cao nhất trong số sáu nước ASEAN.

Thanh toán không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích

Xét về khía cạnh tài chính doanh nghiệp, theo bà Như Thùy, thanh toán không tiền mặt còn mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn. Thứ nhất là nâng cao hiệu hiệu quả hoạt động. Giao dịch không dùng tiền mặt có thể tinh giản các quy trình tài chính, giảm các thủ tục hành chính, chi phí và rủi ro liên quan đến giao dịch tiền mặt. Các nền tảng số có thể tự động hóa quy trình thanh toán, tối ưu hóa quản lý dòng tiền và giảm thiểu lỗi thủ công.

Thứ hai, ghi nhận dữ liệu chi tiết, đầy đủ và chính xác. Các nền tảng công nghệ như giao diện lập trình ứng dụng (API) sẽ giúp tập trung hóa việc quản lý dữ liệu, nhận đầy đủ thông tin giao dịch theo thời gian thực. Ngoài ra, nguồn dữ liệu lớn từ hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ phản ánh hành vi người dùng, mô hình chi tiêu và xu hướng thị trường, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược phân bổ dòng tiền và hỗ trợ quá trình lập chiến lược tăng trưởng.

Thứ ba, phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Nền tảng thanh toán số cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa việc quản lý vốn lưu động, đẩy nhanh chu kỳ chuyển đổi tiền mặt, cải thiện khả năng dự báo và sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi cho các khoản đầu tư chiến lược. Giao dịch không dùng tiền mặt cũng sẽ giúp mở khóa thanh khoản, giảm chi phí tài chính và phân bổ vốn hiệu quả hơn, phục vụ các mục tiêu tăng trưởng chiến lược của doanh nghiệp.

Vững vàng trước thời đại mới

Chiến lược số hóa trong ngành ngân hàng cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, gia tăng nhiều giải pháp tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán số, từ thanh toán theo thời gian thực. Tiếp đến, giải pháp cho phép doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế, hải quan điện tử 24/7 với kết nối trực tiếp đến hệ thống của cơ quan thuế, hải quan, và giải pháp thu đa kênh đồng nhất hỗ trợ nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau trên cùng một nền tảng.

Trong tháng 6, HSBC vừa tích hợp thêm giải pháp thanh toán bằng mã QR động tiên tiến. Với mỗi thanh toán của khách hàng, tiền sẽ được ghi có vào tài khoản HSBC của doanh nghiệp theo thời gian thực 24/7, nhờ vậy sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện thanh khoản. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp hiển thị thông tin giao dịch theo thời gian thực đầy đủ và đồng nhất, hỗ trợ tự động đối soát với báo cáo quyết toán tổng hợp, hỗ trợ tài khoản ảo, quy trình kết nối với hệ thống đơn giản.

"Tuy rất thuận tiện cho người dùng, nhưng thanh toán không tiền mặt cũng chứa đựng yếu tố rủi ro, rõ ràng nhất là những nguy cơ an ninh mạng và gian lận, thường là do chiếm đoạt tài khoản, đánh cắp thông tin đăng nhập, hoặc giả mạo dẫn đến phát sinh các giao dịch trái phép và rò rỉ thông tin cá nhân", bà Như Thùy nói.

Do đó, để có thể bắt kịp xu hướng thị trường nhưng vẫn bảo vệ tính an toàn cho các giao dịch tài chính của mình, bà Như Thùy cho rằng, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được đào tạo và hiểu rõ các hình thức thanh toán không tiền mặt hiện có, vai trò và ý nghĩa của chúng trong hoạt động tài chính, từ đó có sự lựa chọn hình thức phù hợp nhất.

"Bên cạnh tăng cường các biện pháp an ninh mạng và các cơ chế phát hiện gian lận, sử dụng xác thực đa yếu tố hay các giao thức mã hóa, doanh nghiệp cũng cần đánh giá rủi ro định kì, cập nhật kiến thức về các rủi ro cũng như phương thức tấn công mới, các quy định mới trong thanh toán số như luật chống rửa tiền hoặc luật bảo vệ dữ liệu cá nhân", bà Như Thùy nhấn mạnh.

Tin bài liên quan