Sẵn sàng đón các quỹ ETF tiếp theo

Sẵn sàng đón các quỹ ETF tiếp theo

(ĐTCK) Thông tin từ Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, có thêm 2 quỹ ETF nữa sẽ sớm ra mắt thị trường và tiềm năng thu hút vốn của loại hình quỹ này là không nhỏ.

Ngoài 2 quỹ ETF là quỹ ETF đầu tư mô phỏng chỉ số VN30 (VFMVN30) do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) quản lý vừa niêm yết hôm 6/10 và quỹ ETF do Công ty  Quản lý quỹ Sài Gòn (SSIAM) đang xây dựng, thì một số đơn vị vừa tiếp xúc với HOSE bày tỏ sự quan tâm tới các chỉ số phục vụ ra đời quỹ ETF.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển của HOSE cho biết, ở thời điểm này có 2 quỹ mới có tính khả thi cao, tức là đã có chủ  trương của lãnh đạo về lập quỹ, đã đặt vấn đề với Sở về một chỉ số cụ thể và có bộ phận triển khai các công tác thành lập quỹ. Nhìn ra những thị trường đi trước, quỹ ETF có thể đến con số hàng ngàn như ở Mỹ hoặc hàng trăm quỹ như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Theo bà Hà, khi lựa chọn một chỉ số làm chỉ số cơ sở cho quỹ ETF, công ty quản lý quỹ dựa vào 2 tiêu chí là mức độ đại diện và thanh khoản của các cổ phiếu thành phần. Chỉ số VN30 có tính đại diện cao khi giá trị rổ cổ phiếu chiếm đến 60% giá trị thị trường và thanh khoản của các cổ phiếu thành phần tốt. Trong các chỉ số thì VN30 tăng trưởng đều, bền vững, còn chỉ số midcap tuy thanh khoản không tốt bằng VN30, nhưng lại là chỉ số tăng trưởng cao nhất, xét trong chu kỳ 5 năm và 3 năm. Thông tư 229 hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục quy định, quỹ ETF chỉ cần đầu tư tối thiểu vào 50% cổ phiếu thành phần của một chỉ số (chiếm 95% danh mục của quỹ). Vì thế, chỉ số midcap cũng là một lựa chọn hấp dẫn cho quỹ ETF.

“VN30 với ưu điểm vượt trội về thanh khoản và tăng trưởng bền vững, nên các quỹ vẫn có nhu cầu lập ETF đầu tư theo chỉ số này. Nhưng không như quỹ đầu tiên, các quỹ khác có thể sẽ chọn số cổ phiếu ít hơn mà mô phỏng được chỉ số với mức chênh lệch không quá 10% so với chỉ số tham chiếu, chứ không đầu tư hết vào cả 30 cổ phiếu”, bà Hà nói thêm về các ý tưởng thành lập quỹ ETF mà HOSE ghi nhận được.

Quỹ ETF VFMVN30 đã rất tự tin khi công bố, sau 6 tháng có thể nâng quy mô của Quỹ lên 400 - 500 tỷ đồng, gấp đôi hiện nay để đạt mức hòa vốn. Lợi thế của quỹ ETF là thuận lợi cho thu hút cả vốn đầu tư nội và vốn ngoại. Với vốn nội, quỹ ETF thích hợp cho NĐT lớn đa dạng danh mục, hoặc các NĐT cá nhân chỉ cần đầu tư theo xu hướng thị trường mà không mất công tìm hiểu quá sâu về một DN, vốn là hạn chế của NĐT không chuyên hay không có nhiều thời gian cho hoạt động phân tích đầu tư. Đối với vốn ngoại, ưu thế được nhắc đến nhiều là việc sở hữu chứng chỉ quỹ ETF giúp NĐT nước ngoài tránh được rào cản về room đối với nhiều cổ phiếu trong VN30.

Nhưng lợi thế này sẽ được phát huy như thế nào? Được biết, HOSE đã đưa vào kế hoạch hành động, sẽ phối hợp với công ty quản lý quỹ đi chào hàng quỹ ETF nội/chỉ số nội ở thị trường nước ngoài. 

Để không bị ràng buộc về room, quỹ ETF ở nước ngoài có thể thành lập một quỹ con để mua chứng chỉ quỹ ETF của quỹ ETF trong nước, sau đó niêm yết trên các sàn giao dịch nước ngoài. Đây là mô hình quỹ đã phổ biến ở nhiều thị trường trên thế giới, được gọi là Feeder Fund. Theo đó, nếu công ty quản lý quỹ nội chứng tỏ được năng lực đầu tư hiệu quả thì có thể hút được số vốn không nhỏ từ các quỹ ETF nước ngoài, thông qua mô hình quỹ lồng quỹ đó.

Bà Hà lưu ý thêm, đến cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, HOSE có kế hoạch đưa ra thị trường các chỉ số ngành gồm 3 ngành lớn là tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản. “Tuy nhiên, nếu các công ty quản lý quỹ có nhu cầu với chỉ số ngành nào đó thì chúng tôi có thể làm sớm hơn, đưa chỉ số ngành đó ra trước để họ làm hồ sơ thành lập quỹ gửi UBCK”, bà Hà bật mí.

Được biết, trước khi quỹ ETF VFMVN30 niêm yết, HOSE và các CTCK đã giao dịch thử nghiệm suốt một tuần để đảm bảo chứng chỉ quỹ được giao dịch trôi chảy trên sàn. Phần mềm tính iNAV và iIndex do bộ phận nghiệp vụ của Sở tự xây dựng đã tích hợp tốt với hệ thống. Cơ sở hạ tầng, năng lực vận hành của HOSE đã được chuẩn bị sẵn sàng để đón các quỹ ETF tiếp theo gia nhập sàn giao dịch trong tương lai gần.               

“ETF sẽ ngày càng trở thành công cụ đầu tư phổ biến”

Ông Trịnh Hoài Giang ,Phó tổng giám đốc, CTCK TP. HCM (HSC)
 

 ETF giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên TTCK Việt Nam. Sự ra đời của ETF dẫn dắt sự chuyển đổi từ đầu tư tập trung vào một số cổ phiếu chọn lọc mang tính chủ động sang đầu tư vào toàn thị trường - đầu tư theo chỉ số mang tính thụ động. Trước nhiều sự lựa chọn, NĐT đang dần quan tâm hơn về phân lớp tài sản nào để đầu tư vào, khác với việc chọn mã cổ phiếu đơn thuần như trước đây. Đặc biệt, khác với sản phẩm quỹ mở, tính minh bạch cao về danh mục đầu tư cũng như thông tin giao dịch của ETF có khả năng đáp ứng được nhu cầu của nhiều NĐT cá nhân và thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài.

Việc NĐT quan tâm hơn đến đầu tư theo chỉ số là một sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm phái sinh trong tương lai. ETF cùng với các sản phẩm hợp đồng tương lai sẽ góp phần tích cực thu hút thêm đầu tư vào thị trường vốn của Việt Nam.

Gần đây, ở các nước khác, dòng vốn vào ETF lớn hơn vào các quỹ mở. Điều này cho thấy, ETF đang dần trở thành một công cụ được ưa chuộng và phổ biến. Trong vòng 5 năm qua, hai quỹ ETF ngoại đầu tư vào Việt Nam đã thu hút được gần 1 tỷ USD. Tôi tin rằng, sản phẩm ETF nội địa mà HSC là một thành viên lập quỹ (AP) có thể làm được hơn vậy trong việc thu hút tham gia của NĐT trong và ngoài nước.

Hiện HSC đã hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ về hoán đổi, giao dịch và các quy trình vay mượn chứng khoán để phục vụ cho các hoạt động tạo quỹ và tạo thị trường. Đồng thời, chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về ETF cho đội ngũ nhân viên môi giới, tổ chức các hội thảo giới thiệu sản phẩm đầu tư mới này cho khách hàng. Chúng tôi cũng đang đề xuất các công cụ hỗ trợ như cho vay ký quỹ, tham gia ý kiến về công bố thông tin đối với giao dịch nhằm hoàn thiện hơn sản phẩm ETF Việt Nam.

Tin bài liên quan