Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận cao. Xin bà cho biết một số chính sách nổi bật trong lĩnh vực chứng khoán đã được Quốc hội thông qua tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này?
Luật Chứng khoán 2006 được sửa đổi năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trong những năm qua, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc tiếp tục phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán đã được đưa vào các nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ðể thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch;
Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung trong tình hình mới, qua đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11/2019, với một số chính sách nổi bật như sau:
Một là, tăng cường quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, phân công, phân cấp rõ ràng, đảm bảo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đầy đủ thẩm quyền để quản lý, giám sát toàn diện hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán.
Hai là, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Luật đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục phát hành/chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán, quy định điều kiện chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và bổ sung quy định nhằm gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường quản lý đối với phát hành cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng.
Về công ty đại chúng, Luật nâng tiêu chuẩn công ty đại chúng về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông; luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20 năm 2015, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp đại chúng.
Ba là, hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Luật quy định Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở và việc thành lập công ty con của Sở theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cơ cấu tổ chức quản lý, Ðiều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được sửa đổi cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, có tính đến các yếu tố đặc thù của Sở.
Quy định rõ trách nhiệm của Sở trong việc giám sát giao dịch, giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên giao dịch. Bổ sung quy định về các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro, khủng hoảng nhằm bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán, kịp thời xử lý các sự cố ảnh hưởng đến thị trường.
Bổ sung quy định Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký, lưu ký.
Bốn là, chuẩn hóa quy định về cấp phép và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Luật đã sửa đổi quy định cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng tách thành 2 hoạt động: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, sau đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.
Ðồng thời, Luật quy định rõ các dịch vụ công ty chứng khoán được cung cấp khi được cấp phép các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; quy định trách nhiệm của công ty chứng khoán trong giám sát giao dịch chứng khoán; quy định rõ tài sản của khách hàng do tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp nhận và quản lý là tài sản của khách hàng, không phải của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Năm là, bổ sung một số quyền bảo đảm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ thẩm quyền để tổ chức và thực thi tốt các chức năng giám sát, thanh tra, cưỡng chế thực thi:
Luật bổ sung quy định thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, nhằm tạo cơ chế phòng ngừa, xử lý các rủi ro, sự cố, biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán.
Luật cũng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm; quy định cơ chế phối hợp giám sát giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các cơ quan khác như thuế, đăng ký kinh doanh, với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước; nâng mức phạt tiền hành chính tối đa.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sửa đổi quy định về công bố thông tin theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiếp cận gần hơn thông lệ tốt của quốc tế.
Bà đánh giá thế nào về tác động của việc ban hành Luật Chứng khoán đối với công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Thứ nhất, các cơ chế phối hợp trao đổi thông tin cho phép cơ quan quản lý giám sát nâng cao hiệu quả giám sát chung đối với các thành viên thị trường, đánh giá sát hơn về hoạt động, thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho chất lượng giám sát việc tuân thủ pháp luật chứng khoán của các tổ chức tham gia thị trường.
Cơ chế phối hợp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nước ngoài cũng tạo điều kiện cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong phối hợp trao đổi thông tin về các vụ việc vi phạm mang tính xuyên biên giới trong lĩnh vực chứng khoán trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ hai, việc bổ sung thẩm quyền thu thập thông tin trong thanh kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như quy định chế tài xử phạt nặng, các hình thức xử lý bổ sung sẽ tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, xác minh, chứng minh và xử lý các hành vi lạm dụng thị trường, đặc biệt là thao túng, giao dịch nội bộ.
Thứ ba, việc nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ sở quy định mức phạt cao hơn đối với các hành vi mang tính nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thị trường, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từ đó tạo tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường.
Thứ tư, quy định về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán giúp cơ quan quản lý có công cụ, biện pháp kịp thời xử lý, ứng phó sự cố đối với thị trường, giảm thiểu tác động, hậu quả ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán.
Các quy định mới về thanh tra, xử lý vi phạm sẽ nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật Chứng khoán (sửa đổi) khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
Ðể triển khai các quy định tại Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện các công tác gì trong thời gian tới, thưa bà?
Ðể bảo đảm Luật Chứng khoán được triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất, kịp thời và hiệu quả, ngay từ năm 2019 và trong năm 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Chứng khoán và các văn bản thi hành; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện các hoạt động tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt các quy định pháp luật mới để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tuân thủ khi các quy định mới có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật, dự kiến sẽ xây dựng và ban hành 4 nghị định của Chính phủ (Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng, Nghị định quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán), 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 10 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng các cơ chế phối hợp giữa Ủy ban với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực thi các thẩm quyền, quy định về hoạt động phối hợp tại Luật.
Chúng tôi sẽ tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán; đồng thời phối hợp chặt chẽ với hai sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán rà soát để xây dựng và sửa đổi các quy trình, quy chế, quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giảm thiểu tác động từ việc thay đổi, điều chỉnh quy định tới hoạt động của thị trường.