Sẵn sàng cho 3 kịch bản lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trừ chỉ số giá nhóm bưu chính - viễn thông giảm, còn lại 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng, khiến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

“Với diễn biến này, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm nay”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Trái với dự đoán hồi đầu năm, kiểm soát lạm phát năm nay có vẻ không hề dễ dàng, thưa bà?

Chưa bao giờ, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan coi việc kiểm soát giá là dễ dàng, kể cả trong điều kiện có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho nhiệm vụ này.

Nhưng năm nay, nếu như quý I diễn biến giá cả vẫn còn khá ổn định, CPI trong 3 tháng đầu năm chỉ tăng 3,77%, thì sang tháng 4/2024, CPI đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước với 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, khiến CPI 4 tháng đầu năm nay tăng 3,93%. Giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ 4 tháng đầu năm đều tăng, ngoại trừ bưu chính - viễn thông giảm 1,47%. Trong đó, chỉ riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,54%, tác động làm CPI tăng 1,04%; nhóm giáo dục tăng 8,84%, làm CPI chung tăng 0,55%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74%, làm CPI chung tăng 0,36%. Chỉ riêng 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ này đã khiến CPI tăng 1,95%.

Với diễn biến trên, năm nay lạm phát sẽ ra sao?

Chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản cho lạm phát năm nay dựa trên cơ sở thị trường trong nước, đánh giá tình hình thế giới và phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Các kịch bản lạm phát được xây dựng thông qua dự báo biến động giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ ảnh hưởng nhiều tới CPI như lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… Theo đó, kịch bản tốt nhất, CPI năm nay tăng 3,8%; kịch bản khả dĩ nhất là tăng 4,2% và kịch bản tiêu cực nhất là tăng 4,5%.

Với kịch bản thứ nhất, CPI lên đỉnh điểm vào tháng 4, sau đó giảm dần.

Kịch bản thứ hai, CPI tăng đỉnh vào tháng 5 và giảm dần.

Kịch bản thứ ba phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, chúng tôi nghiêng về kịch bản thứ hai hơn, vì trong chu kỳ tính CPI (từ 25 tháng trước đến 25 tháng sau) do rơi vào 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhu cầu đi lại, du lịch, vui chơi, giải trí tăng mạnh, nên giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng mạnh, vào tháng 5 và sang tháng 6 sẽ “hạ nhiệt”.

Tất nhiên, mọi kịch bản đều do con người tính toán, xây dựng, nên mức độ chính xác phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan.

Trong kiểm soát lạm phát, yếu tố khách quan từ bên ngoài có tác động rất lớn, nằm ngoài ý chí của cơ quan quản lý nhà nước, thưa bà?

Đúng vậy. Những tác động từ bên ngoài đến hoạt động kinh tế của Việt Nam rất lớn. Trên thế giới, lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt nhờ các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài. Cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất 5,25 - 5,5% do lo ngại tiềm ẩn rủi ro lạm phát quay trở lại.

Cũng rất khó dự đoán khi nào Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất đang ở mức rất cao hiện nay, khi mà xung đột lợi ích, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt. Những bất ổn về kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược luôn tiềm ẩn gây ra sự đứt gãy trong vận chuyển hàng hóa, làm gia tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics, an ninh lương thực, năng lượng và gây sức ép lên giá dầu thô, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất trên toàn cầu.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 115,24 tỷ USD hàng hóa. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 45,7%; nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%, nên khi thị trường thế giới có biến động, vận chuyển, logistics gặp khó, sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lạm phát của Việt Nam.

Theo bà, việc Fed vẫn neo lãi suất ở mức cao như hiện nay tác động thế nào đến lạm phát của Việt Nam?

Lãi suất cao, lượng tiền bơm ra thị trường ít hơn, khiến giá trị của VND so với đồng tiền khác tăng lên. Fed giữ lãi suất ở mức cao khiến tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp phải mua USD để nhập khẩu hàng hóa sẽ trở nên đắt hơn. Chưa kể, khi doanh nghiệp vay USD để nhập khẩu hàng hóa, đến khi mua lại USD để trả nợ cũng phải chịu chi phí tăng lên do tỷ giá đã tăng. Như vậy, khi tỷ giá VND/USD tăng, khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành sản xuất tăng, tác động ngay tới lạm phát.

Fed chưa đưa ra thời gian cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, nên giá trị USD trên thị trường thế giới tăng cao. Cụ thể, tính đến ngày 25/4/2024, Chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 104,95 điểm, tăng 1,4% so với tháng trước đó. Trong nước, nhu cầu USD của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước đó, tăng 3,03% so với tháng 12/2023, tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%. Đây là mức tăng khá cao, gây áp lực rất lớn đến công tác kiểm soát lạm phát.

Khác với những năm trước, kiểm soát lạm phát năm nay ngoài đối phó với giá xăng dầu, còn phải đối phó với cả giá lương thực và giá điện, thưa bà?

Khí hậu trên thế giới diễn biến càng ngày càng cực đoan, khiến giá hàng tiêu dùng thiết yếu từ gạo, cà phê, cacao, đường... đều tăng.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, giá gạo tăng, người nông dân “vui như tết”, nhưng giá gạo thế giới tăng, kéo theo giá gạo trong nước tăng, nên ngoại trừ người sản xuất lúa gạo, còn lại gia tăng chi phí cho lương thực, thực phẩm, gây áp lực không nhỏ tới lạm phát do lương thực, thực phẩm chiếm quyền số rất lớn trong chỉ số tính CPI.

Giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam “hòa nhịp đập” với giá xăng dầu thế giới. Từ đầu năm đến nay, xu hướng giá xăng dầu tăng rất rõ nét do những bất ổn ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine, bất ổn trên Biển Đỏ... Ở thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu tháng 4/2024 đã tăng 11,63% do các đợt điều chỉnh giá từ tháng 1/2024 đến nay, làm cho mỗi lít xăng A95 tăng 2.770 đồng; E5 tăng 2.730 đồng; diezen tăng 930 đồng. Xăng dầu tăng tác động đến CPI vô cùng lớn, vì cứ giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Ngành điện cũng phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để duy trì hoạt động, đầu tư, tái đầu tư; nguyên, nhiên liệu để chạy nhiệt điện và cũng phải chịu tác động bởi tăng lương tối thiểu vùng, lương cơ sở, nên dù muốn hay không, giá điện năm nay chắc chắn tiếp tục tăng, thậm chí tăng nhiều lần, sẽ tác động ngay tới CPI, bởi khi giá điện tăng 10%, tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.

Với những diễn biến bất lợi này, nếu năm nay kiểm soát được CPI xung quanh 4,2% đã là thành công.

Tin bài liên quan