Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, song tại phiên thảo luận cuối cùng về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu), diễn ra sáng 23/5/2018, đa phần đại biểu Quốc hội đều đồng tình việc cần sớm thông qua Luật, thành lập 3 đặc khu, để tạo bước đột phá, tạo động lực mang đến sự thịnh vượng cho quốc gia.
Thậm chí, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) còn cho rằng, chúng ta đang đi tìm một mô hình mới để đất nước lớn mạnh và mô hình đặc khu với thể chế vượt trội là giải pháp thỏa đáng.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì hy vọng, việc thành lập đặc khu sẽ tạo bước đột phá cho đất nước, giống như những lần đổi mới trước đây.
Mô hình đột phá, chính quyền tinh gọn, hiệu quả
Ông Nguyễn Ngọc Phương đã nhắc đến hàng loạt đặc khu đã “thành danh” trên thế giới, như Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải của Trung Quốc, Khu kinh tế tự do Incheon (Hàn Quốc), hay Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE)…, để khẳng định rằng, đặc khu là một mô hình mang tính đột phá, động lực trong chiến lược phát triển kinh tế mà nhiều nước trên thế giới đã làm.
“Đây cũng là mô hình sẽ tạo bước đột phá mới, giải phóng được nguồn lực cho sự phát triển của đất nước”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Sự đột phá ấy trước tiên đến từ chính mô hình chính quyền đặc khu tinh gọn, hiệu quả, được trao quyền mà Dự thảo Luật đã đề xuất.
Đó là chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có HĐND và UBND đặc khu, nhưng tinh gọn, hiệu quả. HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, UBND đặc khu chỉ gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch, và cả hai sẽ chỉ có một văn phòng giúp việc chung. Chủ tịch UBND đặc khu thậm chí được trao 44 thẩm quyền thuộc tỉnh, 21 thẩm quyền từ bộ, 8 thẩm quyền của Thủ tướng.
“Tôi đồng tình với phương án chính quyền đặc khu tinh gọn, chỉ có một văn phòng giúp việc chung. Qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn, khi đã có đặc khu, khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục đầu tư thì chỉ cần đến một nơi, đó là chính quyền đặc khu”, đại biểu Dương Minh Tuấn nói.
Thậm chí, không chỉ đồng tình với phương án tổ chức mô hình chính quyền đặc khu như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) còn đề xuất việc “trao quyền” cho các cơ quan tư pháp ở đặc khu.
Dẫn câu chuyện về những lần tham gia đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình khảo sát, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong phát triển đặc khu, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết:
Khi đến UAE - nơi được quốc tế đánh giá cao trong phát triển thành công mô hình đặc khu - và đặt câu hỏi “điều gì tạo nên sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tại nơi đây”, thì câu trả lời nhận được ban đầu là những ưu đãi về kinh tế, nhưng về lâu dài, đó phải là sự ổn định về chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thẩm quyền và đủ năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.
“Chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự từ các nhà đầu tư tại Trung Quốc. Rằng, một hệ thống cơ quan tư pháp đủ thẩm quyền với những cải cách tối đa về thời hạn và thủ tục tố tụng chính là yếu tố quan trọng giúp thu hút và giữ chân nhà đầu tư”, bà Thủy nói.
Bà Thủy nhấn mạnh rằng, các cơ quan tư pháp ở đặc khu cũng cần được giao những thẩm quyền phù hợp, đảm bảo cho việc vận hành các cơ chế đặc thù tại đặc khu, tạo thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư.
Chính sách chủ động, vượt trội
Không nằm ngoài dự đoán, khi Dự thảo Luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, vẫn tiếp tục có những ý kiến băn khoăn về các chính sách ưu đãi đầu tư tại đặc khu, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh casino, hay thời hạn cho thuê đất lên tới 99 năm trong những trường hợp đặc biệt.
Song, đó vẫn là những ý kiến cá biệt. Đa phần đại biểu Quốc hội đều đã đồng tình với các đề xuất trong Dự thảo Luật. Nhiều đại biểu còn thẳng thắn cho rằng, nhiều chính sách kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi đầu tư cần phải “mạnh hơn nữa” để đảm bảo sự vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế.
“Tôi cho rằng, một số cơ chế, chính sách trong Dự thảo Luật còn chưa có những bước đột phá, thể hiện sự vượt trội, đặc biệt. Một số ưu đãi chưa mang tầm quốc tế và tính cạnh tranh chưa cao. Một số ưu đãi thậm chí còn kém hơn so với quy định hiện hành dành cho các khu kinh tế. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của các đặc khu.
Tất nhiên, cần thận trọng, nhưng không thể vì quá thận trọng mà bỏ lỡ cơ hội thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nói.
Ngay như với câu chuyện casino, trong khi có những ý kiến phản đối việc dành ưu đãi cho lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm này, thì rất nhiều đại biểu cho rằng, điều đó là cần thiết.
Lý do là, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), nếu áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% (đề xuất mới nhất của Dự thảo Luật, kinh doanh casino ở đặc khu được hưởng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong 10 năm, so với mức 35% của hiện tại - PV), thì sẽ “không tạo được sự khác biệt cạnh tranh với các dự án tương tự đang triển khai tại các nước khác trong khu vực”, do họ có chính sách ưu đãi và hạ tầng tốt hơn.
Một số đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã bày tỏ sự không đồng tình với việc xây dựng 3 casino ở 3 đặc khu, cũng như dành ưu đãi cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, như GS. Hà Tôn Vinh, vị chuyên gia trong lĩnh vực casino cho biết, casino ngày nay đã khác xa casino của mấy chục năm trước – vốn chỉ có bài bạc, rửa tiền. Giờ đây, casino được xem là một phần của khu phức hợp giải trí, nơi có thể đón tiếp cả gia đình, nghĩa là bao gồm cả người già, trẻ nhỏ.
Mô hình này đã rất thành công, từ Las Vegas đã lan rộng sang các nước. Singapore là một ví dụ điển hình, mặc dù trước đó, Thủ tướng Lý Quang Diệu rất “dị ứng” với bài bạc. Nhật Bản cũng đã đồng ý cho 3 casino hoạt động ở nước này.
Thực tế, các casino đã góp phần quan trọng thu hút khách du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Năm ngoái, lợi nhuận từ hoạt động casino ở Macau đạt tới 35 tỷ USD.
Liên quan các chính sách ưu đãi cho kinh doanh casino ở đặc khu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị được “giữ như Dự thảo”. Theo lý giải của Bộ trưởng, đây chính là “sự chủ động của chúng ta, chứ không phải chúng ta khuyến khích họ”.
“Hiện nay, các nước đều mở dịch vụ casino để cạnh tranh thu hút dòng tiền của người chơi casino. Nếu chúng ta khuyến khích, cho phép, thì phải đảm bảo cạnh tranh được, muốn đảm bảo cạnh tranh thì phải có đầu tư lớn và làm thật bài bản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, muốn thu hút được đầu tư lớn, thì phải có chính sách miễn giảm hợp lý.
Liên quan đến các chính sách vượt trội trong thu hút đầu tư ở đặc khu, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đồng tình với đề xuất cho thuê đất 99 năm, trong các trường hợp đặc biệt và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các tiêu chí, quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư chiến lược, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng sẽ được rà soát lại chặt chẽ hơn nữa, để đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng, được tham gia các khâu quy hoạch, đề xuất thể chế, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu theo mục tiêu đã định.
Vì lợi ích quốc gia, vì sự thịnh vượng của đất nước
Không quá khó hiểu việc vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc phát triển đặc khu, cũng như thông qua Luật Đặc khu.
Bởi đây là luật khó, phức tạp và lại là một vấn đề mới ở Việt Nam. Không chỉ cơ quan soạn thảo, mà ngay cả các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đều thấy rõ điều này. Đó là lý do mà các cuộc tranh luận về Dự thảo Luật đã diễn ra không ngớt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, trao đổi với các phóng viên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, đã đến lúc phải thí điểm xây dựng đặc khu, từ đó rút kinh nghiệm, thay vì chỉ “bàn để đấy”.
Chừng nào nhìn sự phát triển đặc khu từ lợi ích quốc qua, vì sự thịnh vượng của đất nước, thì khi ấy, các đại biểu sẽ sẵn sàng bấm nút thông qua Luật.
“Nếu bàn quá nhiều mà không thực thi sẽ bị tắc. Nếu cứ lấn cấn, bàn đi tính lại mãi thì sẽ mất đi cơ hội, nhất là khi thế giới hiện nay mang tính toàn cầu và xu hướng bảo hộ đang được đẩy lên”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thậm chí đã có một bài phát biểu rất tâm đắc đối với việc thông qua Dự thảo Luật và phát triển đặc khu.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đã nói đến chuyện “quỹ thời gian không nhiều” để trở thành “quốc gia thịnh vượng”, đồng thời cho rằng, không còn nhiều thời gian và cơ hội cho những đột phá táo bạo, dám nghĩ, dám làm.
Ông Phạm Trọng Nhân hy vọng, ba đặc khu sẽ trở thành cỗ xe tam mã đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Ông Nhân đã nói các chính sách cho đặc khu không phải là “sự ưu ái” cho 3 địa phương, mà chính là “trách nhiệm vô cùng nặng nề” của các địa phương này, bởi nó liên quan đến sự lớn mạnh chung của quốc gia, của dân tộc.
“Có nhiều người lo khi Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang trở thành cực tăng trưởng sẽ là vùng trũng trong thu hút đầu tư, khiến các vùng khác khó khăn hơn.
Nhưng chúng ta đã quên rằng, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dù trở thành đặc khu cũng vẫn là bộ phận không thể tách rời của dải đất hình chữ S này. Đó là một điều bất biến. Sự phát triển của ba đặc khu phải là sự phát triển chung của đất nước”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Chừng nào nhìn sự phát triển đặc khu từ lợi ích quốc qua, vì sự thịnh vượng của đất nước, thì khi ấy, các đại biểu sẽ sẵn sàng bấm nút thông qua Dự thảo Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc hội tụ đủ điều kiện để thông qua Dự thảo Luật tại kỳ họp này, sau khi tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh. “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải ban hành sớm để triển khai.
Trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi, chứ không chỉ dừng lại ở đây”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh và nhắc lại chuyện Hàn Quốc trong 10 năm đã sửa luật tới 6 lần, để đảm bảo sự phát triển của Khu kinh tế tự do Incheon.