Sàn quốc tế tiếp thị doanh nghiệp Việt Nam

Sàn quốc tế tiếp thị doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK-online) Thị trường kỳ hạn Liffe (London, Anh) vừa cho phép doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam được mở kho và gửi mẫu sang Trung tâm kiểm tra chất lượng tại London, giúp rút ngắn thời gian giao hàng - nhận tiền khi các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán sản phẩm cà phê ra thị trường thế giới.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê đầu tiên được Liffe đưa ra quyết định này.

Năm ngoái, Sàn giao dịch hàng hóa Sicom của Singapore đã tới Việt Nam để quảng bá cho dịch vụ giao dịch kỳ hạn, áp dụng với mặt hàng cà phê Robusta. Tương tự, Sàn Tocom (Nhật Bản) cũng đã có những hoạt động tiếp thị nhằm thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tham gia.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do khủng hoảng kinh tế, các sàn hàng hóa càng năng động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, lại là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu. Tiềm năng khai thác kênh giao dịch này từ phía các doanh nghiệp Việt Nam được các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới chú ý. Chưa có thống kê chính thức, nhưng ghi nhận từ môi giới giao dịch hàng hóa tại các ngân hàng như BIDV, Techcombank, PGBank… thì mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều.

Không chỉ doanh nghiệp làm thương mại có thể tham gia giao dịch hàng hóa, mà nông dân tại các vùng nông sản chính cũng là đối tượng nhà đầu tư tiềm năng được các sàn hàng hóa để mắt tới. Một nông dân trồng cà phê sẽ thu hoạch cà phê của mình sau 2 tháng. Nếu phán đoán giá cà phê đi xuống tại thời điểm thu hoạch, người đó có thể sử dụng hợp đồng bán kỳ hạn cà phê 2 tháng trên các sở giao dịch hàng hóa. Kênh đầu tư này giúp nông dân hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Với các nhà đầu tư cá nhân, ở các nước, đầu tư vào hàng hóa luôn được nhà đầu tư lựa chọn bên cạnh những kênh đầu tư khác, nhằm đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế rủi ro. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì đầu tư vào các loại hàng hóa cơ bản được xem là an toàn nhất.

Ở Việt Nam , cả 3 nhóm nhà đầu tư đang gia tăng tiếp cận với các sàn giao dịch hàng hoá quốc tế, nhưng lại rất dè dặt với các sàn Việt Nam . Lý do e ngại chính được họ viện dẫn là loại hình giao dịch này đòi hỏi quản lý chặt chẽ và chuyên sâu. Tuy vậy, sâu xa hơn, nhà đầu tư chưa tin tưởng vào sự vận hành và bảo hiểm rủi ro từ chính các sàn giao dịch trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương, tổ chức giao dịch kỳ hạn trong khi trình độ tổ chức và quản lý sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam còn non kém, trong bối cảnh sơ sở pháp lý lẫn thể lệ hoạt động lỏng lẻo, nên nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong giao dịch hay tranh chấp xảy ra là khó tránh khỏi. Cũng vì giao dịch nghèo nàn nên trong nhiều trường hợp nhà đầu tư có muốn tất toán hợp đồng cũng không tìm được lệnh đối ứng.

Trên thực tế, những quy định chung nhất về cơ sở pháp lý và thể lệ sàn giao dịch hàng hóa hiện nay đã có trong Nghị định 158/2006/NĐ-CP. Năm 2009, Bộ Công thương có hướng dẫn việc cấp phép thành lập và chế độ báo cáo của Sở giao dịch hàng hóa bằng Thông tư 03/2009/BCT. Sau đó, Bộ này công bố danh mục sản phẩm được mua bán qua sàn giao dịch gồm cao su, cà phê nhân, mủ cao su thiên nhiên và một số mặt hàng thép. Tuy nhiên, quy định chi tiết về tổ chức và những quy chế cho sàn hoạt động thì đến nay chưa được hướng dẫn, nên mạnh sàn nào sàn ấy soạn thảo. Nhiều nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân do đó chưa tin tưởng để mở tài khoản giao dịch.

Trên thế giới, các loại hàng hóa giao dịch qua sàn có thể được chia làm 4 loại gồm:

- Sản phẩm nông nghiệp: ngô, lúa mì, lúa mạch, đậu tương, thóc, đường, ca cao, cà phê, bông, dầu hạt cải, dầu cọ, gia súc và thịt, gỗ, cao su…

- Năng lượng: dầu thô, xăng, dầu đốt, nhiên liệu nặng, khí thiên nhiên, propane.

- Kim loại: kim loại quý (vàng, bạc, bạch kim, paladi), kim loại công nghiệp (đồng, kẽm, nhôm và hợp kim nhôm, thiếc, chì, nicken, thép), kim loại hiếm…

- Gia súc sống và thịt gia súc: thịt lợn nạc, thịt bụng…

Ước tính, tỷ lệ phần trăm các loại hàng hóa đang giao dịch trên các sàn thế giới như sau: năng lượng 75%; kim loại công nghiệp 7%; kim loại màu 2%; nông sản 13% và thịt gia súc sống 3%.

Nguồn: Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam