Sản phẩm tôm Minh Phú (MPC) được Hải quan Hoa Kỳ hủy bỏ áp thuế chống phá giá

Sản phẩm tôm Minh Phú (MPC) được Hải quan Hoa Kỳ hủy bỏ áp thuế chống phá giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thông cáo báo chí vừa công bố, Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã chứng khoán UPCoM: MPC) cho biết, đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP).

Theo đó, CBP đã hủy bỏ Quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Hoa Kỳ.

Quyết định ngày 12/02/2021 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Hoa Kỳ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác, đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó theo Quyết định ngày 13/10/2020.

“Chúng tôi rất vui và hài lòng với Quyết định này”, đại diện Tập đoàn Minh Phú cho biết.

Quyết định ngày 12/02/2021 của CBP thể hiện sự xem xét thấu đáo, công bằng, và đánh giá chính xác về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả cũng như những nỗ lực hợp tác của Minh Phú trong suốt hơn một năm kể từ khi CBP đã khởi xướng Vụ điều tra theo Đạo luật Thực Thi và Bảo Hộ (EAPA) vào ngày 09/10/2019.

Trước đó, tại Kết luận ngày 13/10/2020, Cơ quan điều tra EAPA của CBP đã yêu cầu áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ với Minh phú dựa trên nhận định rằng, hệ thống truy xuất của Minh Phú còn có một số lỗi nhỏ, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồ sơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như Cơ quan này yêu cầu.

Tin tưởng vào số liệu và hệ thống của mình, Minh Phú đã quyết định nộp đơn khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP ngay vào ngày 10/11/2020, yêu cầu xem xét lại Kết luận nói trên, vì kết luận này đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là Minh Phú đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả (dù không theo đúng cách thức mà EAPA yêu cầu) và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Hoa kỳ.

Tại Quyết định ngày 12/02/2021, trên cơ sở khiếu nại của Minh Phú, Cơ quan cấp cao phụ trách về Luật pháp và Phán quyết (Office of Regulation and Rulings) của CBP đã phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Hoa Kỳ mà Minh Phú đã cung cấp trong suốt Vụ điều tra EAPA từ tháng 10/2019.

Cụ thể, CBP nhận định rằng, xét đến đặc thù của quá trình sản xuất - xuất khẩu tôm đông lạnh, Minh Phú đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cho phép tách riêng tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu trong nước cũng như truy xuất từ tôm nguyên liệu tới tôm đông lạnh thành phẩm theo từng thị trường, đã trung thực trong báo cáo và hợp tác với nỗ lực cao nhất trong suốt cuộc quá trình điều tra EAPA. Các bằng chứng mà Minh Phú cung cấp cho CBP là đáng tin cậy và đầy đủ.

Việc Minh Phú chủ động tìm ra và báo cáo các sơ sót (ví dụ: có 13 kg tôm Ấn độ đã lọt vào 1 container hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ) cho thấy Minh phú đã trung thực và hợp tác đầy đủ với CBP. Minh Phú đã chứng minh được là không sử dụng tôm Ấn Độ cho sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Do vậy, Kết luận ngày 29/10/2020 yêu cầu áp thuế chống phá giá cho Tôm Ấn Độ với Minh Phú vì cho rằng Minh Phú chưa có hệ thống truy xuất hoàn hảo, theo cách thức và tiêu chuẩn do EAPA đặt ra, là không hợp lý và không dựa trên chứng cứ xác thực.

Trên cơ sở đó, CBP nhận định rằng Minh Phú không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Minh Phú.

Để nhận được sự công nhận tại Quyết định ngày 12/02/2021 nói trên của CBP, Minh Phú đã phải nỗ lực xây dựng và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo từng loại nguyên liệu, thậm chí từng vùng nuôi, cũng như hệ thống phần mềm lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất – kế toán hiện đại trong nhiều năm.

Từ cuối năm 2019, phương pháp phân tách và truy xuất nguồn của Minh Phú đã được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí tượng và Đại dương (NOAA), trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP).

Trong Vụ điều tra EAPA, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra, toàn thể lãnh đạo, các cán bộ, nhân viên của Minh Phú, cùng với đội ngũ luật sư đã phải làm việc căng thẳng với cường độ cao trong suốt hơn một năm để cung cấp cho CBP số lượng thông tin và hồ sơ khổng lồ.

Mặt khác, ngay từ tháng 07/2019, trước khi Vụ điều tra EAPA được khởi xướng, mặc dù Minh Phú vẫn chưa đủ nguyên liệu để cung ứng theo đơn đặt hàng, lãnh đạo Minh Phú đã quyết định ngừng nhập khẩu tôm nguyên liệu Ấn Độ. Thay vào đó, Minh Phú đã quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi.

Tính đến cuối năm 2020, Minh Phú đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600 ha) và Minh Phú Lộc An (300 ha).

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước, điển hình như chương trình hợp tác với Viện CSIRO (cơ quan nghiên cứu của Australia) để nghiên cứu phát triển tôm giống, con giời (thức ăn cho tôm bố mẹ), tảo (thức ăn cho tôm post) và công nghệ nuôi để tiến tới hoàn toàn chủ động về tôm nguyên liệu cho việc chế biến và xuất khẩu của Minh Phú.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Minh Phú đã và đang thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam bộ với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000 ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000 ha diện tích nuôi tôm - lúa.

Tin bài liên quan