Sản phẩm mới: Khi NĐT muốn!

Sản phẩm mới: Khi NĐT muốn!

(ĐTCK-online) Trong khi Thông tư 74/2011/TT-BTC khá dè dặt trong việc cho triển khai các sản phẩm mới thì một số CTCK đã âm thầm đi xa hơn trong việc tìm dịch vụ khác biệt phục vụ NĐT. Ứng trước tiền bán chứng khoán, margin tỷ lệ cao, bảo lãnh thanh toán T+60… có lẽ đã trở thành lỗi thời. T+0, short sell (bán khống), option… mới là những lợi thế cạnh tranh để thu hút NĐT.

>> Cởi trói giao dịch

NĐT cần, CTCK có

Môi giới CTCK D không ngần ngại tung ra lời mời gọi về các sản phẩm mới của công ty với hứa hẹn gia tăng tài khoản gấp nhiều lần trên một diễn đàn chứng khoán có lượng NĐT truy cập lớn nhất hiện nay. Sản phẩm đầu tiên môi giới này giới thiệu là T+0. Với sản phẩm này, NĐT có thể mua bán trong cùng 1 phiên (mua trước bán sau, bán trước mua sau đều được). Ưu điểm của sản phẩm là không cần đợi T+4, đòn bẩy cao, không tính phí margin, hạn chế được rủi ro. Nhược điểm của sản phẩm là "ăn mỏng". Theo đánh giá của môi giới này thì với sản phẩm T+0 của công ty, NĐT có thể "đánh như thị trường Mỹ luôn".

Sản phẩm thứ 2 là short sell. NĐT vay chứng khoán trong kỳ hạn nhất định từ CTCK hoặc thông qua các môi giới của CTCK, sau đó chứng khoán được đẩy vào tài khoản, NĐT tự bán. Sản phẩm này có ưu điểm là NĐT sẵn có hàng trong tài khoản nên áp dụng được nhiều chiến lược cuốn chiếu. Có thể tạo ra xu hướng giá thậm chí điều khiển được giá theo mong muốn. Nhược điểm là hàng không phải của mình, mất phí vay khá cao. Có những mã chứng khoán NĐT chỉ được mượn trong kỳ hạn ngắn.

Sản phẩm thứ ba là option. NĐT nộp một khoản tiền cọc để mua/bán cổ phiếu ở giá ký hợp đồng, đòn bẩy cao 1/10, rủi ro hạn chế (trường hợp xấu nhất là mất ít hơn hoặc bằng khoản đặt cọc). Ưu điểm của sản phẩm là bảo hiểm rủi ro, đòn bẩy cao, khoản lợi nhuận cao với số tiền ít trong khi nhược điểm là mất phí cọc ban đầu, thời gian có kết quả lâu hơn.

Được biết, để có thể tham gia vào các sản phẩm trên, NĐT phải mở tài khoản tại CTCK và do CTCK quản lý (có nhân viên môi giới tư vấn sản phẩm). Đối với sản phẩm T+0, NĐT phải đặt cọc tối thiểu 15%, 1 lô giao dịch tối thiểu là 10.000 CP. Sản phẩm short sell đặt cọc 30%, sản phẩm option khoảng 8-12%, tùy mã chứng khoán.

Trong khi các sản phẩm option, T+0 không phải CTCK nào cũng làm được do liên quan đến công nghệ và năng lực của nhân viên thì sản phẩm bán khống lại khá phổ biến theo hai cách. Thứ nhất là NĐT vay cổ phiếu để bán trước sau đó mua lại với giá rẻ hơn. Cầu nối trung gian trong trường hợp này là các môi giới hay các công ty đầu tư. Nguồn cung cổ phiếu đến chủ yếu từ các quỹ hay các NĐT trường vốn. Thứ hai là CTCK cung cấp gói dịch vụ "bán khống - margin", hướng tới các khách hàng VIP. Thị trường đi xuống là thời điểm thích hợp cho việc sử dụng vay bán khống.

 

Rủi ro

Sự sụt giảm thất thường trong thời gian qua của TTCK được CTCK giải thích là do triển vọng vĩ mô chưa mấy sáng sủa. Việc lên điểm trong những ngày đầu tháng 6 chủ yếu mang tính kỹ thuật do NĐT nhận thấy giá cổ phiếu xuống khá sâu nên đẩy mạnh mua vào. Tuy nhiên, theo nhiều NĐT thì sự biến động quá thất thường thậm chí ngay trong cùng một phiên khiến chuyện thắng - thua trở nên bấp bênh, nhiều khi phụ thuộc vào sự may rủi. Một trong nhiều nguyên nhân là có sự tham gia của các sản phẩm mới.

Ông Lê Ngọc Hoàng, NĐT tại sàn TVSI đưa ví dụ, chỉ trong phiên giao dịch ngày 14/6, NĐT không tỉnh táo có thể bị mất đến gần 14%. Đầu ngày, chỉ số chứng khoán giảm, đến giữa phiên thì tăng mạnh, nhiều mã chứng khoán lên trần nhưng đến cuối phiên đã giảm về sàn. Phiên giao dịch này, cả hai sàn đạt tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm. Sau phiên giao dịch đó, chỉ số chứng khoán đi xuống bất chấp nhiều tin tức vĩ mô tích cực hỗ trợ.

"Tôi nghĩ, những phiên giao dịch như vậy được hỗ trợ bới những NĐT lớn có 'đặc quyền' hoặc những CTCK đưa ra các sản phẩm bán khống, cho vay chứng khoán mới", ông Hoàng nói.

Khi các sản phẩm mới chưa được cơ quan chức năng cho phép triển khai (bởi chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) rủi ro có thể xảy ra với cả NĐT và CTCK, nhất là khi có tranh chấp xảy ra. Đó là những bài học đã có từ lâu nhưng luôn luôn mới.