Công nghệ chờ luật
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế thế giới nói chung, lĩnh vực tài chính - bảo hiểm nói riêng.
Các ứng dụng cơ bản trong bảo hiểm như thiết bị di động, công nghệ điện toán đám mây (i-clouds), chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), robot tự động đối thoại, công nghệ sổ cái phân phối (DLT), tư vấn tự động... có ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị của bảo hiểm, từ thiết kế sản phẩm, khai thác, định giá sản phẩm, marketing, phân phối đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm và quản lý doanh nghiệp.
Trên thế giới, các sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển và mở rộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, ở thị trường bảo hiểm Việt Nam, hiện chưa có nhiều sản phẩm được phát triển trên nền tảng công nghệ, chủ yếu là do pháp luật chưa có quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp chưa dám triển khai.
Trong khi đó, các ví dụ điển hình của ứng dụng công nghệ trong thiết kế sản phẩm ở nhiều nước hiện nay là kinh tế chia sẻ, bảo hiểm dựa trên nhu cầu và bảo hiểm dựa theo thời điểm sử dụng.
Với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều công nghệ trong xây dựng sản phẩm, việc đổi mới công tác thiết kế của doanh nghiệp và phê duyệt của cơ quan quản lý là rất cần thiết.
Kinh tế chia sẻ dựa trên chia sẻ việc sử dụng hàng hóa. Hiện nay, những người trong kinh tế chia sẻ muốn có được sản phẩm bảo hiểm thông qua cách truyền thống, nhưng khó có được sản phẩm đáp ứng nhu cầu.
Ví dụ, lái xe làm việc trong kinh doanh chia sẻ (ví dụ Uber) và chủ sở hữu nhà trong dịch vụ chia sẻ (ví dụ Airbnb) luôn muốn có bảo hiểm, nhưng bảo hiểm truyền thống thường không bảo hiểm cho những loại hình mới trong kinh tế chia sẻ, nơi mà tài sản cá nhân được sử dụng để kinh doanh không thường xuyên.
Với các sản phẩm bảo hiểm dựa trên thông tin người dùng được thiết kế dựa trên dữ liệu của khách hàng như dữ liệu về xe cộ, nhà cửa và các thiết bị đeo tay, điều này sẽ đem lại các sản phẩm bảo hiểm đa dạng hơn cho khách hàng, nhất là những khách hàng chưa tiếp cận với bảo hiểm. Sản phẩm điển hình là bảo hiểm xe cơ giới có mức phí bảo hiểm dựa trên lịch sử lái xe an toàn, thói quen lái xe.
Về sản phẩm dựa theo nhu cầu sử dụng, kinh tế chia sẻ hướng các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tự định hướng, hiểu biết công nghệ và sản phẩm có tính cá nhân hóa của khách hàng.
Đặc điểm cơ bản của bảo hiểm dựa theo nhu cầu sử dụng là tính tạm thời, chỉ bảo hiểm trong thời gian ngắn, có thể kích hoạt bất kỳ khi nào khách hàng muốn (ví dụ, chỉ bảo hiểm xe đạp khi sử dụng xe).
Một số bất cập
Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay được thiết kế theo mẫu có sẵn, đáp ứng các nhu cầu riêng lẻ, chưa cá nhân hóa theo từng khách hàng, cũng chưa chưa xuất hiện các sản phẩm bảo hiểm theo gói đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng.
Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm hiện chưa cao. Tính đến hết năm 2020, thị trường bảo hiểm có hơn 1.300 sản phẩm, trong đó hơn 850 sản phẩm phi nhân thọ, 450 sản phẩm nhân thọ.
Sản phẩm tuy nhiều, nhưng đa số được thiết kế dựa trên cơ sở dữ liệu tham khảo của các nhà tái bảo hiểm hoặc thị trường bảo hiểm nước ngoài, nên chưa phản ánh đúng rủi ro từ thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, tất cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đều phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.
Vì vậy, ngay cả một thay đổi nhỏ, không trọng yếu của sản phẩm cũng phải được cơ quan này chấp thuận, làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm khả năng thay đổi nhanh chóng để cạnh tranh, thích ứng với sự phát triển của thị trường, cũng như làm giảm tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình giới thiệu và thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới.
Trong khi đó, các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế dựa trên các cơ sở dữ liệu khác nhau, cách thức khác nhau do việc khai thác dữ liệu bị hạn chế vì không có nền tảng dữ liệu chung, nên khó so sánh và tạo gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý khi thực hiện phê chuẩn sản phẩm.
Về hoạt động marketing, thúc đẩy bán hàng, quá trình số hóa ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin cho khách hàng. Việc không ứng dụng công nghệ thông tin hoặc ứng dụng công nghệ không đạo đức, chuẩn mực có thể khiến việc cung cấp không được kịp thời, phù hợp, chính xác và gây hiểu nhầm.
Việc sử dụng các mạng xã hội giúp doanh nghiệp bảo hiểm, trung gian bảo hiểm tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh hơn, giảm chi phí marketing, nhưng khách hàng có rủi ro là bị thuyết phục mua sản phẩm hoặc gia tăng các sản phẩm không phải vì lợi ích của họ.
Về phía khách hàng, một hình thức tiếp cận bảo hiểm đang phổ biến là sử dụng trang điện tử so sánh giá.
Các trang này tự động đưa ra tư vấn hoặc đề xuất sản phẩm, nhà cung cấp và giá của sản phẩm dựa trên dữ liệu đầu vào của khách hàng, nhưng vấn đề về việc minh bạch thông tin định danh, tính độc lập của các trang điện tử so sánh cần phải xem xét.
Một vấn đề khác đáng chú ý là tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm thu thập thông tin khách hàng tràn lan, không đúng mục đích và sử dụng thông tin không phù hợp đạo đức, chuẩn mực, dẫn tới lãng phí nguồn lực và gây phiền phức cho khách hàng.
Nguyên nhân là do chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ trong giao dịch bảo hiểm phải thực hiện công khai thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, sản phẩm cho khách hàng, thực hiện bảo mật thông tin khách hàng; chưa có quy định khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, phù hợp, cũng như có chế tài đối với doanh nghiệp làm lộ thông tin khách hàng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Nhìn chung, các bất cập, hạn chế của thị trường bảo hiểm Việt Nam có nguyên nhân không nhỏ từ việc pháp luật chưa có quy định cho phép doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế, phát triển sản phẩm trên cơ sở đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản; chưa có cơ chế tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phê chuẩn sản phẩm được đơn giản, minh bạch; chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng toàn bộ công nghệ trong chuỗi giá trị của bảo hiểm (tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, thẩm định, chấp nhận bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm) khi doanh nghiệp đáp ứng quy định về tài chính, quản trị rủi ro, công khai thông tin.
Tuy nhiên, phương án trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong thiết kế, phân phối sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin..., nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm đã được quy định tại dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Nếu dự án luật được thông qua, các quy định mới hứa hẹn sẽ đem lại kết quả kinh doanh vượt bậc cho khối doanh nghiệp bảo hiểm.