Hai yếu tố cơ bản vẫn “căng”
Thứ nhất, Mỹ nâng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Bất chấp quá trình thương thảo đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Mỹ và Trung Quốc, nhưng Mỹ vừa quyết định nâng mức đánh thuế từ 10% lên 25% đối với giá trị khoảng 200 tỷ hàng hóa, tương đương hơn 5.700 mặt hàng từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5/2019. Hành động này đang dấy lên mối quan ngại về sự “trả đũa” từ phía Trung Quốc trong thời gian tới.
Hệ quả, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2011. Ngoài ra, trong tuần qua, độ lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm và 3 tháng đang tiệm cận lại ngưỡng 0 khi lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm mạnh hơn so với lợi suất 3 tháng cho thấy quan điểm thận trọng của giới đầu tư về triển vọng kinh tế trong dài hạn.
Thứ hai, tỷ giá USD/VND bật tăng. Tỷ giá USD/VND trong tuần qua bật tăng, chủ yếu do hiệu ứng yếu tố tâm lý từ bối cảnh biến động của thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ của một số ngân hàng nhằm mục đích thanh toán cho nguồn đi vay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền tảng của Việt Nam đang vững chắc hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, với dự trữ ngoại hối liên tục tăng ấn tượng, kỳ vọng tỷ giá sẽ được kiểm soát trước diễn biến bất lợi từ bên ngoài.
Yếu tố kỹ thuật: Tâm lý tích cực dần
Diễn biến chỉ số cơ sở VN30 vẫn khá ảm đạm trong tuần qua, nhưng sàn phái sinh có chuyển biến tích cực. Thứ nhất, chỉ số phái sinh kỳ hạn tháng 5 vượt qua chỉ số VN30 một cách ngoạn mục, chấm dứt một khoảng thời gian dài liên tục ở trạng thái âm. Thứ hai, giá phái sinh kỳ hạn tháng 6 tăng mạnh, vượt kỳ hạn tháng 5 lẫn chỉ số VN30.
Diễn biến giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng.
Những chuyển biến này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường phái sinh dần thay đổi từ bi quan sang tích cực. Tâm lý tiêu cực hầu như không còn hiện hữu.
Xuyên suốt trong tuần qua, dòng tiền rất yếu xét cả cung và cầu. Lực cung yếu khiến cho áp lực giảm không cao. Tuy vậy, khả năng bứt phá không được đánh giá cao, bởi lực mua cũng rất yếu.
Diễn biến chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng.
Ðiểm sáng xuất hiện vào phiên cuối tuần khi lực cầu quay trở lại, đặc biệt khi chỉ số hồi phục mà lực cung vẫn rất yếu, cho thấy áp lực bán ra không nhiều. Do vậy, chỉ cần lực cầu nhỏ cũng có thể giúp chỉ số hồi phục.
Ðà lan tỏa có lần thứ ba xuất hiện điểm cắt lên đường trung bình 10 phiên (MA10) kể từ đầu tháng 4/2019. Bên cạnh đó, đà lan tỏa trung bình 10 phiên đang có tín hiệu tạo đáy khá rõ ràng. Nhìn chung, đà lan tỏa đang xác nhận tín hiệu tạo 3 đáy rất vững chắc, tức đang có nhiều hơn số lượng cổ phiếu chuyển sang trạng thái tích cực, tạo động lực cho đà hồi phục của thị trường chung.
Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.
Các cổ phiếu trụ có diễn biến khá hơn trong tuần qua, nhưng nhìn chung vẫn hoạt động rời rạc. Xét về số lượng các cổ phiếu tăng và giảm trong rổ VN30 thì tương đối cân bằng (53% giảm so với 47% tăng). Tuy vậy, trong số 47% cổ phiếu tăng, phần lớn là các cổ phiếu có mức độ đóng góp không quá cao với chỉ số chung như VJC, FPT hay MWG.
Đà lan tỏa theo vốn hóa & MA10
Bất động sản (VIC, VRE) có thể là nhóm tạo ra nhiều động lực trong tuần mới, bởi nhóm này đang có sự đồng thuận giữa giá và dòng tiền. Trong khi đó, nhóm thực phẩm - đồ uống (VNM, MSN) và ngân hàng (VCB, BID, TCB, CTG, VPB) đang có sự đồng thuận kém của dòng tiền tham gia, thậm chí nhóm ngân hàng có dòng tiền “tháo chạy” khá rõ.
Các nhóm cổ phiếu trụ chưa có sự đồng thuận cao.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: “Ðặt cược vào cửa tăng”
Chỉ số đang dần có những tia hy vọng, chủ yếu xuất phát từ sự “cùng cực” của các chỉ số chung, khiến lực cung bị ép xuống ở mức cạn kiệt. Trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh, việc các chỉ số chứng khoán Việt Nam duy trì được nền tích lũy, thậm chí còn diễn biến tích cực hơn, thì đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Kháng cự hiện tại là khu vực quanh 880 điểm, kháng cự tiếp tục là khu vực 895 - 900 điểm; trong khi đó, hỗ trợ mạnh nằm ở khu vực 870 điểm.
Khi lực cung đang cạn kiệt và tỏ ra tích cực trước diễn biến bất lợi từ thị trường quốc tế thì cửa tăng sáng hơn cửa giảm, bởi xét về yếu tố rủi ro, khả năng thua lỗ của vị thế Long (Mua) sẽ ít hơn so với vị thế Short (Bán). Với các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ như trên, chúng tôi cho rằng, chiến lược canh Mua để đặt cược vào cửa tăng của chỉ số trong tuần này (13 - 17/5/2019) là khả thi quanh vùng 870 - 875 điểm, với mục tiêu nhắm tới là 895 - 900 điểm và điểm quản trị rủi ro quanh hỗ trợ 870 điểm.