Sàn Mỹ sẽ đón thêm doanh nghiệp Việt

Sàn Mỹ sẽ đón thêm doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vốn ở Mỹ được nhiều chuyên gia đánh giá có quy mô lớn đến mức gần như “vô hạn”. Do đó, niêm yết thành công tại thị trường này sẽ mang đến cơ hội huy động vốn cho doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn trong dài hạn.

Hiệu ứng tích cực

VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdad của Mỹ như tiếp thêm năng lượng cho mục tiêu kỳ vọng của một số doanh nghiệp Việt Nam về việc niêm yết ở thị trường tài chính lớn nhất thế giới này.

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, Trung Quốc từng chứng kiến sự thành công của các thương hiệu như Baidu, Alibaba, hay nhóm các doanh nghiệp viễn thông, dầu khí như Chinamobile, Chinatelecom, Petrochina, Chinapetroleum… Nhờ hiệu ứng của Baidu, các doanh nghiệp khác của Trung Quốc lần lượt “tiến công” thị trường chứng khoán Mỹ và ghi nhận những kết quả đột biến khi hàng trăm tỷ USD đã được huy động. Kinh tế Việt Nam có nét tương đồng với Trung Quốc, nhưng có độ trễ.

Theo bà Lan Anh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có bóng dáng các chaebol (tập đoàn kinh tế lớn) của Hàn Quốc và hướng đi niêm yết cũng như cách tiếp cận thị trường vốn nước ngoài của Trung Quốc trước đây.

VinFast niêm yết tại Mỹ đã tạo tiền đề và niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp khác tính đến việc vươn mình ra biển lớn.

“Tôi tin rằng, sau VinFast sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam “cắm cờ trên đất Mỹ”, không chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà cả những doanh nghiệp, tập đoàn có yếu tố nhà nước”, bà Lan Anh nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE nhận xét, việc VinFast niêm yết thành công tại Mỹ đem lại hiệu ứng tích cực, tạo tiền đề và niềm cảm hứng cho các doanh nghiệp khác tính đến việc vươn mình ra biển lớn.

Con đường cho các chaebol Việt

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq là điều đáng mừng, cho thấy những tín hiệu tích cực và mang lại sự hưng phấn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, VinFast đang xây dựng nhà máy ở Mỹ là một bước quan trọng để chuẩn bị cho việc chinh phục thị trường rộng lớn này.

Mặc dù vậy, lĩnh vực ô tô nói chung, ô tô điện nói riêng có tính cạnh tranh rất cao, cần có thời gian để có câu trả lời cho kết quả của dự án đầu tư dài hạn tại Mỹ của VinFast.

“Với một doanh nghiệp sản xuất, việc xây dựng nhà máy, đưa sản phẩm ra thị trường và xây dựng hệ thống dịch vụ, chăm sóc khách hàng là vô cùng quan trọng, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và thời gian dài”, ông Hiếu nói.

Về con đường trở thành thương hiệu toàn cầu của các doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, nhiều chaebol Hàn Quốc đã tìm đến thị trường Mỹ để huy động vốn cho các dự án lớn và dài hạn, do thị trường vốn ở Hàn Quốc rất giới hạn, trong khi nguồn vốn ở thị trường Mỹ gần như “vô hạn”. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tính đến bước đi này. Từ câu chuyện của VinFast, các doanh nghiệp có thể học hỏi được nhiều bài học.

Đầu tiên, phải nhìn nhận rằng, đây là hướng đi đúng để hình thành tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và thế giới. Mạnh dạn đưa doanh nghiệp bước ra một thị trường vốn rộng lớn để huy động vốn. Tiếp theo, ra sân chơi lớn thì doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng về tài chính, sản phẩm, thị trường…

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Linh, niêm yết tại nước ngoài giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dòng vốn ngoại, từ đó mở rộng quy mô nhờ sự hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như thương hiệu được cộng đồng biết đến rộng rãi hơn.

“Có thể xem việc niêm yết trên thị trường nước ngoài là một trong những tiền đề cho các doanh nghiệp trong nước ấp ủ tham vọng trở thành một tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, trước khi vươn ra biển lớn thì các doanh nghiệp cần khẳng định mình ở thị trường trong nước trước”, bà Linh nói.

Thực tế, để vươn tầm trở thành tập đoàn lớn như các cheabol ở Hàn Quốc thì quy mô hoạt động trong nước là chưa đủ. Các cheabol tại Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG đều là tập đoàn có quy mô hoạt động vượt ra ngoài lãnh thổ cùng với hoạt động đa ngành nghề. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp và tập đoàn đáp ứng được các tiêu chí này như FPT, Viettel, Vinamilk, nhưng nhìn chung vẫn đang phụ thuộc vào thị trường trong nước.

“Các tiêu chuẩn sẽ ngặt nghèo hơn, duy trì niêm yết đòi hỏi khả năng tài chính lớn. Và quan trọng nhất, việc niêm yết quốc tế phải phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Đây là những điểm quan trọng nhất mà một doanh nghiệp muốn đem chuông đi đánh xứ người phải lưu tâm”, bà Linh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan