Săn mua công ty chứng khoán, không dễ

Săn mua công ty chứng khoán, không dễ

(ĐTCK) Tuy có nhu cầu làm chủ CTCK Việt Nam, nhưng nhà đầu tư ngoại không dễ hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Săn mua công ty chứng khoán, không dễ ảnh 1

TTCK khó khăn kéo dài đang phân hóa rõ nét thứ hạng các CTCK

Cơ hội rõ nét hơn

Khối NĐT nước ngoài đang nhìn thấy nhiều cơ hội mua CTCK Việt Nam. Cục diện cạnh tranh gay gắt và diễn biến TTCK khó khăn kéo dài đang phân hóa rõ nét thứ hạng các CTCK. Chưa dễ đoán biết những khó khăn của khối CTCK chạm đáy hay chưa, nhưng với những gì đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang ở vùng đáy, nên anh tài, hào kiệt hay kẻ thất bại gần như đã được phân vai.

Chính bởi diễn biến trên mà nhu cầu bán CTCK của các ông chủ người Việt xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Điều này mở ra cơ hội mua CTCK Việt Nam cho NĐT nước ngoài, với nhiều lựa chọn hơn cả về nguồn hàng lẫn giá cả.

Mặt khác, sau nhiều năm lăn lộn với TTCK Việt Nam, các ông chủ nước ngoài hùn vốn làm ăn với phía đối tác Việt Nam đã nắm được những “ngón nghề” của thị trường. Hơn nữa, họ đã gây dựng được trong tay nhóm khách ruột đến từ nước ngoài, nên có nhu cầu triển khai sản phẩm, dịch vụ có nét riêng, để đáp ứng khẩu vị của nhóm “thượng đế” này. Tuy nhiên, với vị thế còn lép vế hiện tại, do chưa nắm cổ phần chi phối tại CTCK Việt Nam, nên họ chưa thể hiện thực hóa mục tiêu.

Một lý do khác kích thích NĐT ngoại muốn nắm quyền CTCK Việt Nam, theo chia sẻ của lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài, là đối tác ngoại không giấu tham vọng sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 49%, họ sẽ mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam thông qua gia tăng số lượng các phòng/đại lý giao dịch, triển khai hệ thống công nghệ, sản phẩm mới phù hợp với pháp luật Việt Nam, nhưng có sự khác biệt trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của tập đoàn mẹ. Đây là cách để NĐT ngoại thử “vận may” với định hướng chiến lược kinh doanh mới.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa ông chủ tây và ta tại các CTCK có vốn đầu tư ngoại cũng đang là nguyên nhân khiến ông chủ nước ngoài muốn ra… ở riêng.

Trong quá trình hoạt động, do hai bên không thống nhất được chiến lược kinh doanh, nên phần nào kìm hãm năng lực phát triển của công ty, nếu không muốn nói là có trường hợp CTCK rơi vào tình cảnh bị “treo” hoạt động. Bởi vậy, để có “đất” cho triển khai ý đồ kinh doanh theo ý muốn của mình, các ông chủ nước ngoài đang tìm cách nắm quyền sở hữu CTCK Việt Nam, thay vì đóng vai trò có tiếng nói thứ yếu như hiện tại.

 

… nhưng vẫn phải đợi

Tuy diễn biến thị trường đang khá ủng hộ cho NĐT nước ngoài mua CTCK Việt Nam, nhưng xét ở khía cạnh pháp lý, họ gặp không ít vướng mắc.

Tuy Thông tư số 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK đã quy định trình tự, thủ tục chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cổ phần để NĐT nước ngoài được sở hữu 100% vốn tại CTCK Việt Nam, nhưng theo phản ánh của các CTCK, trên thực tế việc gom đủ 100% cổ phần là quá khó.

Điều này giải thích tại sao đến thời điểm này, Việt Nam mới có một CTCK 100% vốn ngoại đầu tiên là CTCK Maybank Kim Eng. Vướng mắc này đang khiến NĐT nước ngoài khó hiện thực hóa mục tiêu làm chủ CTCK tại Việt Nam.

Cũng từ vướng mắc trên cho thấy, do NĐT nước ngoài chưa dễ nắm quyền CTCK Việt Nam thông qua phương án sở hữu 100% vốn, nên họ đang trông đợi quy định pháp lý cởi mở hơn.

“Chúng tôi thường xuyên theo sát diễn tiến sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Được biết, dự thảo đã được trình lên Chính phủ để xem xét ban hành trong thời gian tới, trong đó có nội dung đáng chú ý là cho phép NĐT nước ngoài được chọn các ngưỡng sở hữu khác ngoài hai mức 49% và 100% như hiện tại”, lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài nói.

Vị này cho biết, hơn một năm nay, cả phía đối tác Việt Nam lẫn tập đoàn mẹ của đối tác ngoại đã có những bước thương thảo, để tăng thêm tỷ lệ sở hữu lên trên mức 49% hiện tại.

Do cả hai phía đã sẵn sàng cho việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cổ phần, nên một khi quy định pháp lý cho phép, NĐT nước ngoài sẵn sàng nắm quyền chi phối CTCK Việt Nam, để triển khai chiến lược kinh doanh mới mà họ ấp ủ lâu nay.

>>Sôi động chào mua CTCK Việt