Theo dự báo của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (IPOA), sản lượng dầu cọ năm nay dự kiến sẽ không đổi hoặc thấp hơn tới 5% so với năm 2023. Trước đó, các nhóm ngành, đại diện cho các nhà sản xuất và tinh chế, đều đã dự đoán sản lượng sẽ tăng vào đầu năm nay.
Mỹ ước tính trữ lượng dầu cọ toàn cầu đang hướng tới mức thấp nhất trong ba năm, trong khi quốc gia trồng cọ lớn thứ hai thế giới là Malaysia cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung do cây già cỗi và tình trạng thiếu hụt lao động. Dầu cọ được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ xà phòng đến kem và nhiên liệu.
Theo dữ liệu từ IPOA, Indonesia đã sản xuất kỷ lục 54,84 triệu tấn dầu cọ vào năm 2023, sau ba năm sản lượng giảm, và ước tính sản lượng năm nay là 52 triệu đến 53 triệu tấn.
Khoảng 1/3 các vùng trồng dầu cọ chính của Indonesia đã chứng kiến lượng mưa thấp hơn bình thường vào tháng 7, bao gồm Sumatra và một số vùng Kalimantan. M. Hadi Sugeng, Tổng thư ký của IPOA cho biết, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tháng này và dự báo sản lượng sẽ ổn định ở mức thấp hơn 5% trong năm nay, so với dự báo tăng 5% vào tháng 2.
Theo một báo cáo đầu tháng này, Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của Mỹ dự báo sản lượng dầu cọ của Indonesia từ tháng 1 đến tháng 6 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này cho biết hạn hán khiến cây ra nhiều hoa đực hơn và làm giảm khối lượng chùm quả tươi.
Bên cạnh đó, tình trạng cây già cỗi tiếp tục là vấn đề dai dẳng đối với ngành công nghiệp. Đối với nhiều hộ nông dân nhỏ của quốc gia này, đồn điền của họ đã hơn 25 năm tuổi và họ rất cần được bổ sung để giúp tăng sản lượng.
Sahat Sinaga, quyền Chủ tịch Hội đồng Dầu cọ Indonesia cho biết, sản lượng trái cây tươi đã giảm xuống mức thấp nhất là 700 kg/ha tại một số đồn điền, từ mức 830 kg. Hội đồng ước tính sản lượng của Indonesia trong năm nay sẽ giảm 3%, so với dự báo tăng vào tháng 1.
Khi đề cập tới vấn đề các đồn điền già cỗi, ông cho biết: "Tôi rất lo ngại, vinh quang của Indonesia về dầu cọ có thể phai nhạt nếu không ai nhận ra vấn đề này".